Khoảng trống ai lấp cho đầy?

Cùng với sự rạn nứt trong quan hệ song phương, giữa hai cường quốc Nga và Mỹ hiện còn tồn tại những 'nút thắt' có tác động lớn đến tình hình an ninh toàn cầu. Trong đó, những hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng giữa hai quốc gia này đang đứng trước nguy cơ lớn bị 'khai tử'.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố Moscow đã sẵn sàng rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3) với Mỹ nếu Washington không hứng thú với việc gia hạn hiệp ước này. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg ngày 6-6, ông V. Putin nói: "Nếu không ai muốn gia hạn thỏa thuận này thì tốt thôi, chúng tôi sẽ không làm điều đó".

Được Mỹ và Nga ký vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 5-2-2011, START-3 quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm và trong tương lai tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã được triển khai và chưa được triển khai. Dự kiến, START-3 sẽ hết hạn vào năm 2021, trong khi triển vọng gia hạn hiệp ước này vẫn vô cùng bấp bênh bởi tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” về quan điểm giữa Điện Kremli và Nhà Trắng.

Sau khi Mỹ ngừng thực hiện các cam kết trong Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) kể từ đầu tháng 2-2019 nhằm “kích hoạt” tiến trình rút khỏi hiệp ước này trong vòng 6 tháng, dẫn tới việc Nga cũng đình chỉ các nghĩa vụ của mình trong INF. Theo đó, các nhà phân tích đã lo ngại việc gia hạn START-3, văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí giữa hai nước-vì thế sẽ bị ảnh hưởng. Tuyên bố ngày 6-6 vừa qua của Tổng thống V. Putin đã chứng minh lo ngại đó không hề thừa. Phản ứng của Moscow đối với sự sống còn của cả hai hiệp ước nói trên đều diễn ra theo đúng một kịch bản: Họ ngừng tuân thủ thỏa thuận thì chúng tôi cũng ngừng.

Ai cũng biết INF và START-3 là những hiệp ước quan trọng, giúp Nga và Mỹ không vượt quá “giới hạn đỏ” trong phát triển những loại vũ khí tấn công chiến lược. Các quốc gia khác thậm chí nhìn nhận hai văn kiện này như những “hòn đá tảng” đối với an ninh và sự ổn định chiến lược toàn cầu. Chính vì vậy, sự sụp đổ của INF hay START-3 có thể không chỉ khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới tiếp tục rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mà còn để lộ ra “khoảng trống nguy hiểm” trong hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế, trong đó có vũ khí hạt nhân. Người ta còn lo ngại rằng, nếu những văn kiện này biến mất sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới mà ở đó ngoài Nga và Mỹ còn có sự tham gia của các cường quốc khác.

Trong tình cảnh như vậy, một loạt quốc gia và cả giới chuyên gia của Nga và Mỹ không đành lòng để mặc cho mọi thứ tuột dốc không phanh. Họ kêu gọi lãnh đạo Nhà Trắng và Điện Kremli ngồi vào bàn đối thoại nhằm đảo ngược quyết định liên quan tới INF và gia hạn START-3. Thế nhưng, cả hai “nút thắt” này đến nay đều chưa có cách tháo gỡ.

Nguyên nhân nằm ở sự khác biệt trong quan điểm tiếp cận vấn đề từ hai phía. Chẳng hạn, với INF, trong khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho rằng Nga đã vi phạm nghiêm trọng các điều khoản khiến nước Mỹ phải rút khỏi hiệp ước, phía Moscow lại cho rằng đó chỉ là cái cớ mà Washington đưa ra nhằm rũ bỏ các cam kết pháp lý quốc tế trước khi tự do phát triển những loại tên lửa mới và chiếm ưu thế quân sự tuyệt đối trước mọi đối thủ.

Giờ đây, người ta gần như chỉ trông chờ vào khả năng diễn ra một “cuộc mặc cả đầy thiện chí” giữa Nga và Mỹ nhằm cứu vớt INF và START-3, hoặc chí ít là đưa ra những thỏa thuận mới nhằm lấp đầy khoảng trống mà hai hiệp ước này để lại. Chừng đó thôi cũng đủ để mang đến nhiều hy vọng cho ổn định và hòa bình thế giới!

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/khoang-trong-ai-lap-cho-day-576190