Khoảng lặng ở xứ vàng

Hơn 7 tháng trôi qua, người dân vùng sạt lở của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn phải sống trong những căn nhà tạm bợ

Hành trình vào xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vốn khó khăn nay gian nan bội phần. Sau những trận sạt lở đất kinh hoàng cuối năm 2020, mặt đường khắp nơi đang còn bị bong tróc, xé toạc; đất đá, cây cối ngổn ngang.

Mất hết nhà cửa, tài sản

Nhìn từ xa, những ngọn núi, triền đồi như bị ai đó vung từng nhát dao khổng lồ chém dọc chém ngang, biến những mảng màu xanh tươi trở nên loang lổ. Nếu không tận mắt chứng kiến, ít người có thể hình dung cảnh tượng những ngọn núi vững chãi này lại dễ dàng bị hạ gục bởi sự giận dữ của mẹ thiên nhiên như vậy.

Thôn 1, xã Phước Thành - nơi đặt trụ sở UBND xã - còn ngổn ngang như bãi chiến trường. Nơi đây, vào những năm 1990 được biết đến là "thánh địa" của những người làm vàng trái phép. Bao nhiêu người đến rồi đi, có người trúng vàng trở nên giàu có, có người gửi lại thân thể dưới các lớp đất đá sau những vụ sập hầm hoặc rơi vào con đường nghiện ngập.

Những năm gần đây, hoạt động khai thác vàng đi vào quy củ hơn khi nhà nước giao cho các doanh nghiệp thực hiện. Duy chỉ có một điều ít thay đổi là đời sống người Giẻ Triêng nơi đây vẫn luôn nghèo khó.

Khổ càng thêm khổ, những trận lũ quét, sạt lở đất xảy ra cuối năm 2020 khiến nhiều người mất hết nhà cửa, tài sản. Hơn 100 hộ dân ở 4 thôn của xã Phước Thành phải ăn ở, sinh sống trong những ngôi nhà tạm chật hẹp. Mùa này có những ngày nắng nóng lên tới 38-39 độ C và chiều nào Phước Thành cũng mưa giông.

Căn nhà của gia đình bà Hồ Thị Cưới (ngụ thôn 1) chỉ rộng khoảng 20 m2, được dựng lên bằng mấy miếng tôn, ván thấp lè tè. Đó là nơi ở của 2 vợ chồng và 2 đứa cháu. Bà Cưới nói rằng mấy tháng qua, nhờ có gạo nhà nước và các đoàn thiện nguyện hỗ trợ nên không bị đói. Dù vậy, cả nhà chỉ ăn cơm với rau rừng, không có tiền mua thức ăn.

Trong căn nhà tối đen, chỉ đủ để đặt một chiếc giường nhỏ, góc bếp và một số dụng cụ lặt vặt, anh Hồ Văn Phụng (ngụ thôn 1) cúi thấp người, vội nhặt lấy chiếc áo mưa rách trùm lên bao gạo cứu trợ khi mưa chiều ập xuống. Đó là tài sản đáng giá nhất của gia đình anh lúc này bởi nhà cũ đã bị trôi, ruộng rẫy cũng đã bị vùi lấp. Mưa không ngừng trút xuống, rơi lộp độp trên mái tôn rồi len lỏi theo từng khe hở dột xuống căn nhà tạm. Dường như đã quen, vợ chồng anh không màng quan tâm, chỉ nhìn xa xăm về phía núi.

Cách nhà anh Phụng khoảng 1 km, cặp vợ chồng cùng 6 đứa con tận dụng không gian bên dưới nhà truyền thống của thôn để ở tạm. Họ lấy những tấm tôn ghép lại thành một căn phòng chưa đầy 15 m2. Ôm 3 đứa con vào lòng, chị Hồ Thị Đế (ngụ thôn 2) nói rằng cuộc sống mấy tháng qua thật sự bí bách. Chị mong sao sớm có chỗ làm nhà để không còn chịu cực khổ như thế này nữa.

Căn phòng chật hẹp dưới nhà truyền thống của thôn 2, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam là nơi vợ chồng chị Hồ Thị Đế cùng các con ở tạm sau khi nhà cửa bị cuốn trôi. Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Căn phòng chật hẹp dưới nhà truyền thống của thôn 2, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam là nơi vợ chồng chị Hồ Thị Đế cùng các con ở tạm sau khi nhà cửa bị cuốn trôi. Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Lo nhà cho dân trước mùa mưa

Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, thở dài cho biết hơn 100 hộ dân đang phải sống trong các ngôi nhà tạm. Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường dân sinh, cầu bộ, ngầm tràn bị cuốn trôi; trường học, trạm y tế… hư hỏng nặng. Ngoài ra, gần 30 ha đất sản xuất của người dân bị sạt lở vùi lấp khiến họ mất kế sinh nhai.

Nhiều tháng qua, đa số người dân chỉ ở nhà, sống bằng nguồn lương thực do nhà nước và các đoàn từ thiện hỗ trợ. Nhà dân bị cuốn trôi được nhà nước giúp khoảng 140 triệu đồng để xây dựng lại. Các ngành chức năng của huyện đã khảo sát, lựa chọn 4 khu vực để làm khu tái định cư nhưng đến nay chưa xong mặt bằng. Chỉ còn vài tháng nữa đến mùa mưa, không biết cuộc sống người dân sẽ ra sao nếu thiếu chỗ an cư.

Theo ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, người dân vùng sạt lở chưa có nhà ở vì các khu tái định cư ở Phước Sơn đều sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, phải thực hiện đúng quy trình theo Luật Đầu tư công. Đến nay, huyện đã hoàn thành xong việc đấu thầu, đang triển khai thi công. Các nhà thầu cam kết đến ngày 30-6 sẽ có mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư.

"Phước Sơn hiện đã có mưa giông, tới cuối tháng 6 trời sẽ nắng liên tục đến hết tháng 8. Nếu cuối tháng 6 bàn giao mặt bằng thì trong vòng 2 tháng sẽ làm nhà xong, bảo đảm người dân có nhà trước mùa mưa" - ông Trung khẳng định.

Trong chuyến đi tặng quà cho trẻ em tại các xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim (huyện Phước Sơn) hôm 1-6, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, yêu cầu chính quyền huyện Phước Sơn đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng để làm nhà cho người dân. Yêu cầu đặt ra là bằng mọi giá người dân phải có chỗ ở an toàn, ổn định trước khi mùa mưa đến.

Tại cuộc họp giao ban với các phó chủ tịch UBND tỉnh hôm 31-5, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng yêu cầu UBND huyện Phước Sơn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình khắc phục thiệt hại do thiên tai năm 2020, hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2021.

Làm sân bay trực thăng phục vụ cứu hộ

Ông Hồ Văn Phức cho biết lãnh đạo Quân khu V vừa đến kiểm tra, khảo sát địa điểm tại xã Phước Thành để xây sân bay trực thăng phục vụ cứu hộ cho người dân 3 xã Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim trong trường hợp xảy ra thiên tai, bão lũ.

Cuối năm 2020, khi đường vào xã Phước Thành, Phước Lộc bị chia cắt, cô lập gần 1 tháng, các ngành chức năng phải đưa trực thăng thả lương thực cứu trợ người dân.

TRẦN THƯỜNG - PHÚ HUY

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khoang-lang-o-xu-vang-20210608211933487.htm