Khoảng lặng ở xóm chạy thận những ngày giáp Tết

Nằm tại một trụ sở xí nghiệp cũ bên đường Lệ Ninh (phường Quán Bàu, TP. Vinh, Nghệ An) là nơi cư trú của những bệnh nhân suy thận. Những ngày cuối năm, cư dân xóm chạy thận chỉ biết lặng lẽ nhìn nhau và mơ được sum vầy bên gia đình trong ngày Tết cổ truyền.

Sau những lần lọc máu, cơ thể bà Minh ngày càng rệu rã, chân tay sưng vù, nổi hạch, thường xuyên bị cơn đau buốt hành hạ

Sau những lần lọc máu, cơ thể bà Minh ngày càng rệu rã, chân tay sưng vù, nổi hạch, thường xuyên bị cơn đau buốt hành hạ

Trong căn phòng có diện tích chưa đầy 4m2, chỉ đủ kê một chiếc giường đơn và một vài thứ vật dụng cần thiết phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, bà Trương Thị Minh (67 tuổi, quê ở xóm Dinh, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp) cho chúng tôi xem cánh tay đầy vết thương của mình. Sau những lần lọc máu, cơ thể bà Minh ngày càng rệu rã, chân tay sưng vù, nổi hạch, thường xuyên bị cơn đau buốt hành hạ, nhiều đêm không ngủ. Cầm trên tay suất cơm từ thiện được phát lúc giữa trưa, bà Minh rơm rớm nước mắt: “Thèm cảm giác được gần con cháu trong ngày Tết”.

Xuống thành phố Vinh chạy thận từ năm 2018, đến nay đã là cái Tết thứ 4 bà xa gia đình, người thân. Bà Minh nhớ lại, ba năm trước, bạo bệnh ập đến khiến bà vô cùng hoang mang, lo sợ. Các bác sỹ chẩn đoán bà bị suy thận mức độ 5 và phải chạy thận. Kể từ đó, bà gia nhập xóm chạy thận cho đến nay. Mỗi tuần, vào các ngày thứ 2, 4, 6, bà Minh lại từ phòng trọ đến bệnh viện để chạy thận.

Những cư dân xóm chạy thận lặng lẽ bên hiên nhà

Chồng bà, ông Trương Công Bảy (73 tuổi), dù còn minh mẫn cũng đành “nhập cư” ở xóm chạy thận này để tiện chăm sóc vợ. Hằng ngày, ông Bảy đi lặt ve chai bán kiếm thêm tiền. Đôi vợ chồng già nương tựa vào nhau chống chọi bệnh tật. Gia cảnh khó khăn, thân mang trọng bệnh nên mọi chi tiêu từ ăn ở, thuốc men, vợ chồng bà Minh đều tính toán kỹ lưỡng, sao cho chắt chiu nhất. Cuộc sống cứ từng ngày trôi qua, gánh nặng tiền bạc chữa bệnh đè lên vai đôi vợ chồng già. Nhưng có lẽ buồn hơn cả là ngày Tết không thể về vui vầy bên con cháu, người thân.

Ngoài bà Minh, xóm chạy thận còn có 14 người cùng hoàn cảnh. Những phận đời khác nhau nhưng đều chung cái nghèo, suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Cứ 3 ngày chạy lọc máu một lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt lần ấy. Đa số bệnh nhân ở xóm chạy thận được Nhà nước hỗ trợ, các mạnh thường quân giúp đỡ, song nhiều người vẫn kiệt quệ, không duy trì được việc chạy chữa. Họ làm đủ thứ nghề từ nhặt ve chai, xe ôm, rửa bát thuê... để có thêm tiền trang trải chi phí hằng ngày.

Một thân một mình

Ngoài những người có người thân đi theo chăm sóc, nhiều người trong xóm chạy thận một thân một mình chống chọi bệnh tật. Bước sang năm thứ 7 ở xóm chạy thận, ông Lê Văn Hường (70 tuổi, trú xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu) cũng chỉ mới được về quê đón Tết một lần. Với vỉ thuốc để uống cho đúng giờ, ông Hường ngấn lệ nói: “Ở đây mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, lâu dầu cũng thành quen. Các con tôi thì đều đã “yên bề gia thất” và có cuộc sống riêng. Tết năm nay, tôi không về được nhà do phải chạy thận. Bản thân cảm thấy buồn nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bị bệnh thì phải chấp nhận, tự mình an ủi lấy mình. Tôi cũng muốn về nhà đón Tết nhưng việc chạy thận thì không bỏ được, chứ không ai muốn ở đây giờ này”.

Trong xóm chạy thận, người già có, người trẻ cũng không ít. Có những chàng trai, cô gái 9X cũng đang phải chống chọi căn bệnh hiểm nghèo. Ánh mắt họ chất chứa bao nỗi niềm và cả sự bất lực. Chợt nhìn thấy nỗi buồn man mác trong ánh mắt của chàng trai trẻ người dân tộc Thái Kha Văn Giáp. Có lẽ, đó là ánh mắt của sự bất lực. Bởi ở cái tuổi con người ta cố gắng để làm việc theo đuổi ước mơ thì Giáp phải đang gồng mình với những lần chạy thận đau đớn. Đôi bàn tay gầy gò, tĩnh mạch nổi lên ở Giáp khiến không ít người cay sống mũi.

“Năm nay dịch Covid-19 hoành hành, ai cũng lo lắng, không dám đi ra ngoài, chỉ biết trốn trong nhà, đến ngày chạy thận thì qua viện. Những ngày cuối năm, thấy người người, nhà nhà rạo rực về quê đón Tết, lòng tôi lại xốn xang, chỉ ước được về nhà sum vầy cùng con cháu nhưng lịch chạy thận của tôi vào đúng ngày 30 Tết nên đành chịu”. Bà Trương Thị Minh

Giáp, 30 tuổi, người huyện miền núi Tương Dương, là lao động chính trong gia đình có 5 miệng ăn. Giáp từng đi làm công nhân ở Lâm Đồng nhưng phải nghỉ vì sức khỏe không đảm bảo do suy thận. Trở về quê gắng gượng với bệnh tật một thời gian, Giáp xuống Vinh để chạy thận từ giữa năm 2017 rồi trở thành cư dân thường xuyên của xóm chạy thận. Mỗi tuần, Giáp phải đi chạy thận 3-4 lần. Để có tiền trang trải, một ngày chạy thận, một ngày Giáp chạy xe lai (xe ôm). Chị Vi Thị Ôn (vợ Giáp) cũng phải gửi con cho ông bà rồi xuống Vinh kiếm việc làm thêm để phụ chồng. “Hoàn cảnh éo le nên vợ chồng em phải gửi con cho ông bà rồi xuống Vinh vừa mưu sinh, vừa chữa bệnh. Dịch COVID-19 bùng phát, xóm chạy thận đóng kín cổng thường xuyên. Em cũng như những bệnh nhân chạy thận khác phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi đi chạy thận. Những ngày cuối năm, không khí Tết ngập tràn, những bệnh nhân thận như chúng em không có cơ hội được về quê đón Tết. Em 4 năm chưa được về quê đón Tết. Buồn lắm ạ”, Giáp nói.

Với nhiều bệnh nhân ở xóm chạy thận, mong ước được sum vầy cùng gia đình trong ngày Tết cổ truyền nhiều năm nay vẫn chưa thành hiện thực. Và họ cũng không biết sẽ còn được đón Tết đầm ấm cùng gia đình mình được lần nào nữa không, khi thi thoảng ở xóm chạy thận vẫn có những người rời xa cõi trần. Buổi sáng một ngày cuối năm, họ chỉ biết ngồi trước hiên phòng trọ ngước mắt ra khoảng không phía trước, chẳng ai nói một lời.

Thu Hiền

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/khoang-lang-o-xom-chay-than-nhung-ngay-giap-tet-1789387.tpo