Khoảng cách giới trong các nhóm dân tộc thiểu số còn lớn và tồn tại trong nhiều lĩnh vực

Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo Chia sẻ số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc Việt Nam từ khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Hội thảo do Ủy ban Dân tộc (UBDT), Đại sứ quán nước Cộng hòa Ireland tại Việt Nam và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới tổ chức tại Hà Nội, ngày 21-11.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các sở, ban, ngành của các địa phương. Ảnh: Bích Nguyên

Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đó là nơi cư trú chủ yếu của 53 DTTS với 13,38 triệu người, chiếm 14,52% dân số cả nước.

Kết quả phân tích số liệu từ cuộc kết quả khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế - xã hội của 53 DTTS tại Việt Nam cho thấy, khoảng cách giới trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và phụ nữ DTTS còn là nhóm bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương.

Các nhóm DTTS bị bất lợi so với nhóm dân đa số về giáo dục và việc làm, khả năng chuyển đổi nơi ở, chỗ làm việc, tiếp cận các dịch cụ tài chính, các nguồn lực sản xuất như đất đai, tiếp cận thị trường do bị gắn với khuôn mẫu cũng như các rào cản văn hóa khác. Tuy nhiên trong thực tế, các vấn đề giới trong vùng DTTS chưa được phân tích một cách hệ thống, điều này gây cản trở cho việc xây dựng, thực hiện, giám sát các chính sách, chương trình phát triển vùng DTTS và miền núi một cách bền vững, đáp ứng được như cầu phát triển thực sự của phụ nữ và nam giới các dân tộc Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bích Thúy, chuyên gia tư vấn của UN Women trình bày số liệu về giới của 53 DTTS. Ảnh: Bích Nguyên

Theo bà Cáit Moran, Đại sứ Ireland tại Việt Nam, các cộng đồng DTTS là đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam. Họ phải chống chọi với cơ sở hạ tầng yếu kém và tiếp cận dịch vụ hạn chế trong khi phải chịu tác động xấu của biến đổi khí hậu. Đồng thời có một số loạt yếu tố kìm nén sự phát triển của phụ nữ. “Vì vậy mà Ireland cam kết ủng hộ Việt Nam nỗ lực mang lại bình đẳng cho đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ. Năm nay, Đại sứ quán Ireland bắt đầu một chiến lược mới nhằm tiếp tục cam kết hỗ trợ cho Việt Nam phát triển. Chiến lược mới của chúng tôi có cách tiếp cận mới, tổng hợp hơn đối với việc phát triển DTTS” – bà Cáit Moran nói.

Phát biểu tại hội thảo, bà Elisa Fernendez, Trưởng Văn phòng Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) tại Việt Nam cho biết: “Việc lồng ghép phát triển DTTS trong hoạch định chiến lược quốc gia không thể thực hiện nếu không có sự hiểu biết rõ ràng về các vấn đề giới ở các vùng DTTS ở Việt Nam. Đáp ứng được các nhu cầu giới phải được xem là một phần quan trọng của chính sách dân tộc. Để làm được điều này, các cơ quan Chính phủ, bao gồm UBDT cần tăng cường các nguồn lực và thông qua mục tiêu cụ thể có trách nhiệm giới, thiết kế các giải pháp và hành động sáng tạo ai; xây dựng một hệ thống số liệu phân tách giới tính theo nhóm tuổi và dân tộc nhằm xác định như cầu và tình trạng kinh tế xã hội của phụ nữ và nam giới DTTS hiệu quả hơn”.

Bích Nguyễn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khoang-cach-gioi-trong-cac-nhom-dan-toc-thieu-so-con-lon-va-ton-tai-trong-nhieu-linh-vuc/