Khoảng 91.000 lao động nữ sẽ được tăng lương hưu

Theo Nghị định số 153/2018/NĐ-CP quy định về chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành có hiệu lực từ 24/12/2018, sẽ có khoảng 91.000 lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 sẽ được điều chỉnh 'bù' lương hưu do những thiệt thòi của việc thay đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động (LĐ) nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.

LĐ nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 sẽ được xem xét điều chỉnh lương hưu.

Cụ thể, đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là LĐ nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, bị tác động bất lợi hơn so với LĐ nam do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014 so với Luật BHXH năm 2006.

Về mức điều chỉnh: Tùy thuộc vào thời gian LĐ nữ đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, mức lương hưu được điều chỉnh bằng mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014 cộng với mức điều chỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Để bảo đảm hài hòa với lộ trình điều chỉnh cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của nam giới bắt đầu hưởng lương hưu tại cùng thời điểm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định mức điều chỉnh lương hưu đối với số LĐ nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 và có mức lương hưu thấp hơn so với người có cùng số năm đóng BHXH bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2017.

Dựa trên đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ đã xem xét và ban hành Nghị định quy định về chính sách điều chỉnh lương hưu đối với LĐ nữ.

Mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu.

Nghị định cũng quy định: Mức lương hưu sau điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều này là căn cứ để tính điều chỉnh ở những lần điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH.

Về thời điểm điều chỉnh, LĐ nữ sẽ được tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu. Đối với LĐ nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến trước ngày được nhận lương hưu mới theo quy định tại Nghị định này, được truy lĩnh phần lương hưu chênh lệch tăng thêm giữa mức lương hưu trước và sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại Nghị định này.

Trước đó, như Báo Lao động Thủ đô đã thông tin, theo quy định Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, để đạt tỷ lệ hưởng tối đa 75% thì LĐ nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (hiện nay chỉ cần đủ 25 năm). Đối với LĐ nam, nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỉ lệ tối đa là 75% (hiện nay chỉ cần đủ 30 năm).

Việc sửa đổi này được cho là phù hợp với xu hướng quốc tế với một số ưu điểm là tiệm cận gần hơn với nguyên tắc đóng - hưởng; hướng tới bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất.

Tuy nhiên, việc thay đổi đột ngột công thức tính lương hưu của LĐ nữ và áp dụng ngay quy định mới từ ngày 1/1/2018, trong khi đó với LĐ nam lại được tính theo lộ trình đã dẫn đến một số LĐ nữ khi nghỉ hưu từ 1/1/2018 bị giảm tỷ lệ hưởng lương hưu từ 1-10% so với thời điểm nghỉ hưu tại năm 2017 (tùy theo thời gian đóng BHXH và thời điểm nghỉ hưu của từng trường hợp). Việc này đồng thời cũng tạo ra tâm lý so sánh giữa LĐ nữ và LĐ nam (LĐ nam chỉ giảm 1-2%).

Theo số liệu dự báo của BHXH Việt Nam, với việc áp dụng công thức tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì số LĐ nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 sẽ khoảng 91.000 người, lần lượt là 20.500 người vào năm 2018; 22.000 người vào năm 2019; 23.500 người vào năm 2020 và 25.100 người vào năm 2021.

Vì vậy, để bảo đảm hài hòa với lộ trình điều chỉnh cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của nam giới bắt đầu hưởng lương hưu tại cùng thời điểm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định mức điều chỉnh lương hưu đối với số LĐ nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 và có mức lương hưu thấp hơn so với người có cùng số năm đóng BHXH bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2017. Dựa trên đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ đã xem xét và ban hành Nghị định quy định về chính sách điều chỉnh lương hưu đối với LĐ nữ.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khoang-91000-lao-dong-nu-se-duoc-tang-luong-huu-82832.html