Khoảng 6 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo

Sáng 19/12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (BLĐTB&XH) phối hợp với UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc tại Việt Nam) và Ủy ban dân tộc và Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo công bố 'Báo cáo nghèo đa chiều ở Việt Nam: Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người', diễn ra tại Hà Nội.

Theo số liệu báo cáo tại buổi Hội thảo, tỷ lệ nghèo đa chiều (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam) giảm mạnh từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016 – tương ứng với khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo.

Kết quả báo cáo cho thấy những tiến bộ ấn tượng của Việt Nam trong việc thực hiện SDG1 – tỷ lệ nghèo cùng cực giảm mạnh từ 49,2% năm 1992 xuống 2% năm 2016. Thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 tổng số 193 nước thành viên của Liên Hợp quốc về chỉ số SDG năm 2018, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng BLĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: “Giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân luôn là mục tiêu xuyên suốt trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.”

Việt Nam cũng là nước tiên phong xây dựng phương pháp đo lường nghèo đa chiều ở trẻ em dựa trên quyền trẻ em từ năm 2006 và đã có bước tiến mạnh trong việc nghiên cứu, chuyển đổi sử dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, dựa trên các quyền của con người (cụ thể là một số quyền về bảo đảm an sinh xã hội), nhằm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm: “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi”.

Với nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% cuối năm 2017, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thu nhập cũng giảm từ 7,47% xuống còn 5,81%, tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều giảm từ 2,41% xuống còn 0,87%)[1].

Bà Caitlin Wiesen, quyền đại diện thường trú UNDP khen ngợi những thành tựu đạt được của Việt Nam trong giảm nghèo là thành công ở tầm thế giới. Cũng theo bà Wiesen, Việt Nam đạt được thành công được công nhận rộng rãi là nhờ sự tăng trưởng bao trùm, giúp tạo việc làm cho người dân, tiếp cận tương đối công bằng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản; các chương trình mục tiêu và chính sách bảo trợ xã hội giúp những người nghèo nhất và dễ tổn thương cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống.

Mặc dù giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua nhưng vẫn còn những thách thức như tốc độ giảm nghèo không đều, chưa bền vững giữa các vùng miền, nhóm dân cư, dân tộc thiểu số; nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung phát huy được hiệu quả, chưa góp phần nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao; công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân còn hạn chế.

Để phát huy những thành tựu đã đạt được trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của Việt Nam thời gian qua và hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, Việt Nam cần tiếp tục xác định mục tiêu giảm nghèo cho mọi người ở mọi nơi và bảo đảm an sinh xã hội phải được thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ và huy động được sự hợp tác có hiệu quả của các tổ chức quốc tế.

Hồng Trịnh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/khoang-6-trieu-nguoi-viet-nam-da-thoat-ngheo-d2060147.html