Khoảng 46% người Việt mắc bệnh tăng huyết áp

Ông Nguyễn Lân Việt phát biểu tại họp báo. Ảnh: DN

Bệnh lý tim mạch đã và đang là gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong cao và tàn phế cao hàng đầu. Bên cạnh đó chi phí chăm sóc điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.

Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, đến năm 2009 tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp đang ở mức báo động khoảng 46%. “Có thể nói, bất kể ai trong số chúng ta cũng có thể có nguy cơ bị bệnh tim mạch. Hiện cứ 4 người Việt Nam có ít nhất 1- 2 người đã và đang mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch”, lãnh đạo Hội Tim mạch học Việt Nam nói.

Mặc dù nguy hiểm là vậy song theo ông Nguyễn Lân Việt, bệnh lý tim mạch trong đó có tăng huyết áp có thể chủ động phòng ngừa tích cực. Bài học của các nước phát triển cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động ngăn ngừa tích cực bệnh tim mạch bằng cách tác động tới các yếu tố nguy cơ cũng như iều trị tích cực bệnh và phòng ngừa thứ phát. Ví dụ đơn giản, chỉ cần giảm được 5 mmHg huyết áp tâm thu có thể giảm được 14% tử vong do đột quỵ, giảm 9% tử vong do bệnh động mạch vành chưa kể các lợi ích tới thận, suy tim.

Bên cạnh đó, có những biện pháp tưởng như đơn giản nhưng làm giảm đáng kể các nguy cơ tim mạch, ví dụ, tập thể dục đều hàng ngày làm giảm 4,9 mmHg huyết áp tâm thu; giảm lượng muối ăn (tính theo natri ăn vào) dưới 1800 mg/ngày giúp làm giảm khoảng 5,1 mmHg huyết áp tâm thu ở bệnh nhân tăng huyết áp; chế độ ăn cho người tăng huyết áp (DASH) giúp làm giảm gần 10 mmHg huyết áp tâm thu ở đối tượng này.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khoang-46-nguoi-viet-mac-benh-tang-huyet-ap.aspx