Khoảng 1.700 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn

Trong đó khoảng 500 hồ có nguồn kinh phí sửa chữa và nâng cấp, còn lại 1.200 hồ vẫn chưa có nguồn vốn.

 Cùng với việc đảm bảo nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa hồ đập thì việc nâng cao năng lực quản lý cũng cần được triển khai. Ảnh: Minh Hậu.

Cùng với việc đảm bảo nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa hồ đập thì việc nâng cao năng lực quản lý cũng cần được triển khai. Ảnh: Minh Hậu.

Tại hội nghị Công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi và thực hiện dự án sửa chữa nâng cao an toàn đập năm 2020 tổ chức tại Lâm Đồng hôm 9/7, nhiều ý kiến đề nghị cần phải có biện pháp nâng cấp, sửa chữa trước mùa mưa lũ.

Tiềm ẩn nguy cơ

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi qua đánh giá thực trạng hồ chứa hiện nay thì cả nước có khoảng 1.700 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Trong số 1.200 hồ thiếu vốn sửa chữa, có 200 công trình đã xuống cấp rất nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn cao.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng nêu ý kiến, Lâm Đồng là tỉnh miền núi ở phía nam Tây Nguyên chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa biến thiên theo độ cao.

Địa phương cũng thường xuất hiện các hình thái thiên tai như lốc xoáy, lũ quét, mưa đá... Về công trình thủy lợi, địa phương hiện có khoảng 430 công trình gồm hồ, đập, trạm bơm, đập tạm.

Ông Châu cho biết, các hồ chứa đa phần có tuổi đời từ 30 - 40 năm và nhiều công trình thiếu tràn xả lũ, thiếu cống dưới đập nên không đảm bảo an toàn cho công trình.

“Hiện nay, địa phương có 52 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp. Sở NN-PTNT Lâm Đồng kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các công trình xuống cấp và để tỉnh thực hiện đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập”, ông Châu nêu kiến nghị.

Hiện nay, đa phần hồ thủy lợi xuống cấp đều được xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Tổng cục Thủy lợi, những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến an toàn hồ đập. Mưa, lũ phức tạp, diễn biến bất thường cùng với cường độ lớn thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương.

Từ năm 2010 đến nay đã xảy ra 71 sự cố về đập, hồ chứa do tác động thời tiết. Các hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ, là những công trình được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước.

Bố trí vốn cho công trình nguy cơ cao

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu đều cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hồ đập. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp công trình xuống cấp thì cần đưa các công nghệ hiện đại vào giám sát, đánh giá an toàn công trình.

Đại diện Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước cho biết, đơn vị đã lắp đặt nhiều công trình đo mưa tự động cho các hồ đập thủy lợi và phát huy hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ này kết hợp cùng các phần mềm cảnh báo giúp việc quản lý tốt công trình, đảm bảo an toàn.

Trước mùa mưa bão, Tổng cục Thủy lợi lên phương án bố trí vốn để sữa chữa những công trình xuống cấp. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đánh giá cao việc áp dụng các công nghệ 4.0 vào quản lý hồ đập và cùng với việc áp dụng công nghệ này thì cần phải thực hiện nhiều giải pháp khác.

Ông cũng cho rằng, trước diễn biến bất thường của thời tiết, mưa lũ cực đoan đề nghị các địa phương cần tập trung thực hiện các biện pháp đánh giá thực trạng hồ chứa trên địa bàn để phân loại các hạng mục công trình. Nếu có công trình nguy cơ cao thì cần bố trí nguồn vốn để sửa chữa ngay.

“Tiếp đến, các công trình vừa và lớn mà một địa phương giao cho cấp xã quản lý thì cần phải chuyển ngay cho các công ty khai thác công trình thủy lợi, vừa đúng với quy định và đảm bảo về năng lực quản lý”, ông Nguyễn Văn Tỉnh nói thêm.

Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện đa phần các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa đảm bảo an toàn.

Theo thống kê, từ năm 2003 đến nay, đã sửa chữa được khoảng 900 hồ chứa với tổng kinh phí khoảng 16.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2019, Chính phủ đã hỗ trợ cho 30 tỉnh 500 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 84 hồ.

Ông Nguyễn Đăng Hà, Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi), cho biết, hiện cả nước đã xây dựng được 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi. Trong đó có 419 đập dâng có chiều cao trên 5m và 6.750 hồ chứa với tổng chiều dài đập khoảng 1.182km, tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp.

Các hồ chứa phân bổ tại 45 tỉnh, thành, trong đó có 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt là hồ Dầu Tiếng, Cửa Đạt, Tả Trạch, Ngàn Trươi; 889 hồ chứa lớn, 1.632 hồ chứa vừa, 4.225 hồ chứa nhỏ.

Minh Hậu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/khoang-1700-ho-chua-co-nguy-co-mat-an-toan-d268144.html