Khoán xe công: Còn 'trăm mối tơ vò'!

'Chuyện cũ rích, nói hoài, nói miết không có gì thay đổi'.

Đó là lời của ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi nói về con số “ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỷ đồng để nuôi xe công mỗi năm” được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) báo cáo mới đây.

Theo đó, KTNN vừa có báo cáo về việc sử dụng xe công trên cả nước trong năm 2019. Từ số liệu công bố, cả nước có gần 40.000 xe ô tô công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm. Ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỷ đồng để nuôi xe công mỗi năm.

Khách quan mà nói, những lợi ích và ý nghĩa to lớn của cơ chế mới về quản lý và sử dụng xe công (khoán xe công), sẽ góp phần giảm xe công và giảm số lái xe hưởng lương từ ngân sách, từ đó tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.

Việc khoán kinh phí sử dụng xe công cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn lạm dụng và sử dụng tài sản công; Nâng cao tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng trong quản lý, sử dụng tài sản công. Quy định này cũng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công.

Về nguyên tắc, khi đã thực hiện cơ chế khoán thì số xe lượng xe công có thể sẽ được giảm đi và chi phí nuôi xe công cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, từ báo cáo có thể thấy, số lượng đầu xe đã không giảm nhiều và chi phí gần như vẫn giữ nguyên qua bao nhiêu năm.

Liên quan đến cái sự nghịch lý này, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Có thể do trước đây chưa khoán xe công người ta đi xe thường như Toyota, Honda còn giờ khoán rồi thì họ chọn xe xịn, xe sang như Mercedes, Camry. Sự khác nhau về dòng xe, đời xe thì cũng sẽ khác nhau về chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, hao mòn... Tức là ở đây có thể giảm về số lượng đầu xe nhưng lại tăng chi phí về đơn giá”.

Thực tế, ngày nay chuyện xe công đi lễ chùa, đi ăn cưới, đi ăn tiệc, nhận xe doanh nghiệp biếu tặng... hầu như năm nào cũng xuất hiện trên đài báo, bất chấp trước đó có đầy văn bản nghiêm cấm, chấn chỉnh. Không thể kể hết các dẫn chứng cho thấy, xe công từ chỗ là một phương tiện được trang bị để tạo thuận lợi cho quan chức và công chức làm việc, thì lại biến thành công cụ giải quyết khâu oai và lạm dụng của công.

Điều này cho thấy chủ trương khoán xe công dù có ý nghĩa lớn nhưng rất khó thành hiện thực. Có người nói: “Lợi ích từ đây lớn hơn cả lương tháng họ nhận được. Vì thế, khi vẫn còn lợi ích trong khi cơ chế lại không rõ ràng, dứt khoát thì càng khoán chi phí sẽ càng tăng”.

Nói cách khác, nếu nhận cơ chế khoán xe công nghĩa là không còn có xe xanh đưa đón, không còn được oai để làm chuyện này chuyện kia cho người ta sợ, tạo nên lợi ích vật chất, tinh thần.

Cũng vì lẽ đó mà nói khoán đâu phải dễ, khoán đâu phải “gọn” ngay, bởi kèm theo đó phát sinh hàng loạt vấn đề: Việc khoán này chỉ thực hiện trong trường hợp đưa – đón các lãnh đạo đi làm, còn đến cơ quan, nếu họp hành, đi công tác ở đâu thì lại phải có xe của cơ quan đưa đón. Một cái khó nữa mà lãnh đạo Bộ Tài chính đang đau đầu là giải quyết thế nào với đội ngũ lái xe. Bởi họ cũng là công chức, viên chức?

Dừng ở đây, người viết xin dẫn ra một chia sẻ của Chuyên gia tài chính – kinh tế Bùi Kiến Thành về câu chuyện dùng hay không dùng xe riêng của ông. Đó là bao nhiêu năm từ Mỹ về nước sinh sống và làm việc nhưng ông không sắm xe riêng. Lý do được ông chia sẻ là vì chi phí cho một chiếc xe quá lớn và bất tiện (phải nuôi xăng xe, khấu hao, nuôi một ông tài xế..). Bây giờ các dịch vụ ô tô, taxi rất dễ tìm kiếm, chỉ cần một cú điện thoại hoặc đứng ngay cửa nhà vẫy là xong.

Xét cho cùng, xe biển xanh hay biển trắng, ô tô hay xe máy cũng chỉ là phương tiện. Trong lúc các phương tiện giao thông đang ngày càng đầy đủ hơn, tiện nghi hơn, thì nhận thức của những người sử dụng xe công cũng cần thay đổi. Bởi vì xe công chỉ còn phù hợp với những nước nghèo, những nước phát triển, tiên tiến không còn duy trì chế độ xe công nữa.

Có thể nói, khoán xe công là một chủ trương đúng nhưng cách thực hiện phải kiên quyết, rõ ràng, minh bạch, không bị các mối quan hệ níu kéo… thì mới dám mong thành công. Nếu vẫn còn “trăm mối tơ vò” khi khoán xe thì em anh A, cháu chị B phải nghỉ việc… không hứa hẹn câu chuyện lãng phí trong sử dụng xe công sẽ được giải quyết dứt điểm.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/khoan-xe-cong-con-tram-moi-to-vo-159972.html