Khoan tháp ngàn năm tuổi để treo...biển quảng cáo di tích?

Tháp Đôi (TP Quy Nhơn) và tháp Bánh Ít trong quần thể tháp Chăm cổ bị xâm hại do công nhân khoan tháp để treo biển.

Biển quảng bá du lịch xâm hại Tháp Đôi ở Quy Nhơn. ảnh: Zing

Biển quảng bá du lịch xâm hại Tháp Đôi ở Quy Nhơn. ảnh: Zing

Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM vừa gây chấn động với vụ rửa tranh bảo vật “Vườn xuân Bắc Trung Nam” bằng nước rửa chén khiến tranh bị hư hại hơn 30%, (chính xác là hỏng luôn bức tranh sơn mài quý hiếm) thì Sở VHTTDL Bình Định cũng không hề kém cạnh. Mới đây, Sở VHTTDL đã thừa nhận đơn vị này yêu cầu một số công nhân cho lắp đặt biển quảng bá du lịch trên tháp Bánh Ít và tháp Đôi.

Các công nhân này khoan vào tường gạch cổ, lắp đặt giàn sắt thép để gắn biển giới thiệu tên di tích, quảng bá du lịch, vừa mất mỹ quan vừa xâm hại tháp Chăm với những vết khoan… thủng tường gạch cổ.

Đúng là một cảnh tượng khiến du khách nhìn mà thấy xót xa, còn giới khảo cổ, trùng tu thì phẫn nộ. Một TS Sử học đã viết trên trang cá nhân khi chứng kiến những vết khoan thủng tường gạch cổ để treo biển quảng cáo: “Bao nhiêu tiền bạc của người dân, bao nhiêu công sức của chúng tôi. Vậy mà… Nghĩ mà thương ông bạn Kazik (KTS-Kỹ sư Kazimierz Kwiatkowski, người Ba Lan) đã lăn lộn cùng chúng tôi ở Bình Định bao năm”.

Trớ trêu và cay đắng vậy đấy.

Các dòng chữ treo trên tháp Đôi bằng sắt thép câu lại. ảnh: PLTPHCM

Bao nhiêu tiền bạc đổ ra để trùng tu, giữ gìn từng viên gạch, các chuyên gia trùng tu đã đội mưa đội nắng bao nhiêu ngày tháng để giúp cho những ngôi tháp cổ ở Bình Đình được giữ nguyên hình dạng sau hàng thiên niên kỷ thách thức với thời gian. Ấy vậy mà chỉ bằng những quyết định vô trách nhiệm, những mũi khoan ngu dốt, họ đã tấn công thẳng vào di sản. Và thật đáng buồn, nơi đưa ra quyết định đó lại chính là Sở VHTTDL, đơn vị được giao trọng trách quản lý và bảo vệ di tích.

Thật không thể tưởng tượng người ta có thể coi những ngôi tháp báu vật ở khu di tích ấy như là những cột xi măng rẻ tiền để khoan bắt dàn sắt treo biển quảng cáo cho…chính khu di tích. Ông Tạ Xuân Chánh- Giám đốc Sở VHTTDL Bình Định nói với báo chí: "Chúng tôi có ý định treo biển quảng bá điểm đến du lịch để du khách chụp ảnh lưu niệm, giới thiệu các điểm di tích tháp Chăm cổ này rộng rãi hơn nữa. Sau khi nghe thông tin du khách phản ứng, Sở đã cử anh em kiểm tra tháo dỡ ngay các dòng chữ gắn trên di tích, chuyển đến treo ở vị trí khác phù hợp”.

Và đinh đã được khoan thẳng vào tường tháp cổ hàng ngàn năm tuổi để treo mấy chữ xanh đỏ quảng bá cho di tích. Sau khi các biển quảng cáo này được dỡ bỏ thì các lỗ khoan không biết sẽ được xử lý thế nào? Nếu không cẩn thận, đó sẽ chính là những điểm làm tường đền-tháp bị xâm thực bởi nước mưa, rêu mốc, cây cỏ mọc dại...

Nếu không có sự phản ứng từ phía du khách, có lẽ những nhà quản lý ngành VHTTDL tỉnh Bình Định đã yên tâm hết sức vì xem như họ đã “hoàn thành công tác quảng bá cho điểm đến du lịch này” (!?)

Ngay chính những người được giao nhiệm vụ quản lý di tích còn thờ ơ, vô trách nhiệm và đưa ra những quyết định phá hoại di tích như vậy sao?

Mang nước rửa chén ra để rửa tranh bảo vật, khoan tường tháp cổ ngàn năm để treo biển quảng bá di tích… Nhưng hành động ngu dốt, phá hoại này, tiếc thay lại đang là “đặc sản” của chính ngành văn hóa.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/khoan-thap-ngan-nam-tuoi-de-treobien-quang-cao-di-tich-3379549/