Khoản nợ ngân hàng và người thầy bất hạnh trong một gia đình có đến 3 người bị tai biến

Là giáo viên dạy giỏi, Thạc sĩ ngành hóa vô cơ, thầy Nguyễn Tấn Đức bị tai biến khi đang chuẩn bị bảo vệ Luận án Tiến sỹ.

Là giáo viên dạy giỏi môn Hóa nhiều năm liền của trường THPT Phước Thiền, Thạc sĩ ngành hóa vô cơ - Thầy giáo Nguyễn Tấn Đức bị căn bệnh tai biến cướp đi tương lai khi đang chuẩn bị bảo vệ Luận án Tiến sỹ. Bệnh tật đẩy thầy vào đời sống thực vật, nhưng đáng thương hơn vẫn còn một khoản nợ ngân hàng lơ lửng trên đầu mà đến nay dường như thầy không còn khả năng chi trả…

Tôi có hai đứa cháu đều là học sinh cuối cấp, hôm rồi tụ nhỏ không đi du lịch cùng bạn bè mà bàn nhau đi thăm thầy giáo. Tình cờ, tôi nghe được về gia cảnh của thầy giáo mà tụi nhỏ đi thăm, nên quyết định theo chân bọn trẻ để tìm hiểu về người thầy mà mấy đứa yêu thương, trân trọng.

Căn nhà của thầy Nguyễn Tấn Hoài nơi Thầy Đức đang tá túc.

Căn nhà của thầy Nguyễn Tấn Hoài nơi Thầy Đức đang tá túc.

Theo chân tụi nhỏ trên con đường Lý Thái Tổ chừng 10km, chúng tôi đến xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đi bộ gần 2km trên con đường nhỏ tại ấp Đất Mới thì chúng tôi đến nhà thầy Hoài (thầy giáo của tụi nhỏ).

Trước mắt chúng tôi là căn nhà gỗ tềnh toàng, cũ nát dường như không thể cũ hơn. Tiếp chúng tôi là một người đàn ông tuổi chừng 60 gương mặt khắc khổ nhưng vẫn toát lên vẻ trí thức, lịch thiệp mà tụi nhỏ gọi là thầy Hoài.

Thầy nguyên là giáo viên dạy văn của trường THCS Phước Thiền trên địa bàn của huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trong căn nhà không có tài sản gì giá trị ngoài một tủ sách được xếp ngăn nắp, cẩn thận. Một bộ bàn ghế cũ chỉ còn 3 cái ghế, một cái tủ gỗ cũ bên trong trưng bày nhiều giấy khen.

Sau vài tuần trà và giới thiệu xã giao, biết chúng tôi là phóng viên đang tìm hiểu và viết bài về thầy Đức, thầy Hoài thoáng trầm tư rồi bằng giọng rất buồn kể: Thầy có 6 anh chị em sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục. Ông nội là thầy đồ Nguyễn Văn Lắm nổi tiếng của vùng đất này. Tiếp nối truyền thống của gia đình các anh em của thầy đều là giáo viên, bác sĩ, tuy nhiên học hành nổi trội hơn là thầy Đức.

Thầy tên họ đầy đủ là Nguyễn Tấn Đức, sinh ngày 01/08/1972, là con thứ 6 trong gia đình. Ngay từ nhỏ thầy Đức đã là người thông minh, hiếu thảo, học xong THPT thầy thi vào Đại học Sư phạm và học chuyên ngành Hóa. Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi thầy về dạy ở trường THPT Phước Thiền.

Là giáo viên dạy giỏi môn hóa nhiều năm của Trường THPT Phước Thiền, sau thầy chuyển về Trường THPT Long Thành. Năm 2009, thầy tiếp tục học lên và nhận bằng Thạc sĩ hóa học. Những tưởng tương lai tốt đẹp đến với thầy nhưng trớ trêu thay khi thầy đang tiếp tục làm luận án Tiến sĩ với chuyên đề “Nghiên cứu khả năng hấp thụ kim loại nặng bằng than bùn U Minh - Ứng dụng xử lý nước thải Công ty ắc quy Đồng Nai” thì tai họa ập xuống.

Thầy bị đột quỵ!

Dù được cứu chữa kịp thời nên giữ lại tính mạng, tuy nhiên thầy bị mất khả năng đi lại và làm việc. Thầy gần như sống cảnh thực vật. Không vợ con chăm sóc, không lương, chi phí sinh hoạt và chữa bệnh của thầy ban đầu nhờ vào sự giúp đỡ của tập thể giáo viên và các phụ huynh học sinh có lòng hảo tâm. Nhưng đáng lo lắng hơn là thầy vẫn còn một khoản nợ ngân hàng gần 1 tỷ VND mà đến nay dường như không còn khả năng chi trả

Căn “phòng” của Thầy giáo - Thạc sĩ Nguyễn Tấn Đức đang ở.

Kể tới đây chợt nghe tiếng gọi ở nhà sau, thầy Hoài nói: “Các anh ngồi chơi để tôi ra lo cho mấy chú". Chúng tôi theo thầy Hoài ra khu vực phía sau nhà. Điều khiến tôi sửng sốt là không phải một thầy Đức mà có tới 3 người đàn ông cùng chung một số phận.

Người anh thứ 5 của thầy Đức là thầy Nguyễn Tấn Phước, giáo viên dạy văn của Trường THPT Bình Sơn, Long Thành, Đồng Nai cũng bị tai biến và mất khả năng tự chăm sóc bản thân 3 năm nay. Dù không thể tự đi lại được nhưng thầy Phước vẫn có phần tỉnh táo hơn. Người em út của thầy Đức là Nguyễn Tấn Phương, bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất – Đồng Nai cũng mắc phải căn bệnh tai biến này hơn 2 năm nay.

Chắc hẳn bạn đọc cũng hiểu được cảm xúc của chúng tôi lúc này. Thương cho 3 anh em Phước, Đức, Phương không may mắc bệnh nhưng người đáng thương nhất lại là thầy Hoài. Khi cha già còn sống, thầy phải nghỉ dạy học để ở nhà chăm sóc cho cha, khi cha mất thì chăm 3 đứa em bệnh tật. Gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai thầy, trong lúc không có nguồn thu nhập nào đáng kể ngoài mảnh vườn mà cha mẹ để lại.

Nói về khoản nợ của thầy Đức vay ngân hàng đang và mảnh đất bị gán nợ cho ngân hàng, thầy Hoài chỉ biết thở dài. Thầy cho hay: “Đến nay hợp đồng tín dụng đã hết hạn hơn 4 năm rồi và các khoản gốc, lãi, phạt trả chậm đã lên đến gần 1 tỷ. Với hoàn cảnh của chúng tôi bây giờ không biết sống chết ngày nào thì lấy đâu ra tiền mà trả nợ ngân hàng. Tôi chỉ ước mong sao lấy lại được mảnh đất để cho thuê lấy tiền hàng tháng lo cho các em của mình mà thôi”.

Chúng tôi chỉ biết mong cầu sao cho ước mơ đấy của thầy Hoài thành hiện thực…

Đức Lâm- Đình Phương

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/khoan-no-ngan-hang-va-nguoi-thay-bat-hanh-trong-mot-gia-dinh-co-den-3-nguoi-bi-tai-bien-d97801.html