Khoan cống ngầm hồi sinh sông Tô Lịch

Những con sông như sông Tô Lịch, sông Nhuệ... chảy qua địa bàn thủ đô Hà Nội một thời nổi tiếng là 'sông đen', đang được kỳ vọng sẽ hết ô nhiễm, hết màu đen khi TP Hà Nội chính thức triển khai thực hiện Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với mục tiêu hồi sinh các dòng sông ô nhiễm này.

Sông Tô Lịch được kỳ vọng sẽ hết ô nhiễm.

Sông Tô Lịch được kỳ vọng sẽ hết ô nhiễm.

UBND TP Hà Nội vừa tổ chức Lễ động thổ gói thầu xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch. Đây là con sông từ lâu được người dân thủ đô gán cho những tên gọi như “dòng sông chết”, “sông đen”... bởi tình trạng ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp xả trực tiếp ra đó.

Với mục tiêu hồi sinh các dòng sông, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ TP Hà Nội thông qua nguồn vốn ODA để thực hiện “Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá”. Dự án có quy mô xây dựng trên phạm vi khoảng 4.874ha, bao gồm Nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày-đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực quận Hà Đông với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52,621 km, đường kính từ 315-2.200 mm. Đây là Dự án được TP Hà Nội xác định là công trình trọng điểm, vô cùng quan trọng khi thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và một phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông, góp phần làm sạch môi trường, sạch sông Tô Lịch.

Ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội cho hay, gói thầu “Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô lịch và cống chính” có chiều dài 21,66 km; trong đó, gần 13 km đi ngầm, hơn 8 km đào mở được chính thức thi công từ ngày 18/5. Gói thầu do nhà thầu Nhật Bản thực hiện. Đây là dự án được hầu hết người dân thủ đô quan tâm bởi tình trạng ô nhiễm diễn ra quá lâu tại các con sông trên địa bàn thủ đô. Theo giới chuyên gia ngành môi trường, tình trạng xả nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp trực tiếp ra các dòng sông không qua công nghệ xử lý là nguyên nhân bức tử nhiều dòng sông trên địa bàn TP Hà Nội. Chưa dừng lại ở đó, tình trạng người dân tập kết rác, đổ rác trực tiếp xuống dòng sông khiến nhiều nơi con sông biến thành những cái cống đen ngòm.

Nhận định về Dự án này, GS sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh, sông Tô Lịch đã hình thành cách đây hàng nghìn năm, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử Thăng Long. Từ nhiều năm nay, đã có nhiều cơ quan đứng ra thực hiện cứu dòng sông này khỏi ô nhiễm. Nhưng ở dự án này, Việt Nam và Nhật Bản đã thực hiện rất bài bản, mang tính tổng hợp cao và rất thiết thực, được nghiên cứu cặn kẽ từ khâu lập dự án, nghiên cứu và triển khai thi công đầy công phu. Bởi vậy, dự án được kỳ vọng sẽ thành công không chỉ ở mặt công nghệ thi công mà còn ghi dấu ở góc độ tâm linh do sự thành kính với tổ tiên, cũng như thỏa lòng mong đợi của người dân bao đời nay về sự hồi sinh của sông Tô Lịch.

Nêu lên tầm quan trọng của Dự án, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Hà Nội cho hay: Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô lịch và cống chính sẽ là gói thầu quyết định đến thành công của cả dự án. Vì thế, đại diện JICA tại Hà Nội đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố cần đặc biệt quan tâm đến an toàn thi công, thực hiện nghiêm các biện pháp, hướng dẫn của JICA về môi trường và xã hội khi thi công.

Các kỹ sư Nhật Bản sẽ trực tiếp thực hiện dự án với tổng tiến độ thi công dự kiến trong 48 tháng.

Trước đó, ngày 18/5, lễ động thổ gói thầu xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông Tô Lịch đã được UBND TP Hà Nội tổ chức. Hệ thống này dài 21km, trong đó có hơn 11km đi ngầm dưới lòng sông từ đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) đến cầu Quang (huyện Thanh Trì). Công trình được thiết kế trên cơ sở tiếp cận toàn bộ công nghệ khoan kích ngầm để không phải giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng đến giao thông.

Khánh Vy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/khoan-cong-ngam-hoi-sinh-song-to-lich-tintuc466755