Khoai tây được mùa rớt giá thê thảm, liệu có được 'giải cứu'?

Sau củ cải, su hào đến lượt khoai tây tại một số tỉnh phía Bắc rớt giá khi vào mùa thu hoạch. Hiện mỗi kg khoai tây được người dân bán tại vườn với giá 3.000 - 4.000 đồng, giảm hai phần ba so với cách đây một tháng. Rớt giá thê thảm, những hộ nông dân trông khoai tây lại một phen điêu đứng.

Nỗi buồn đầy thương cảm của con trẻ vùng khoai tây Chi Lăng; Ảnh Internet

Hẳn mọi người còn nhớ, khi củ cải dư thừa không tiêu thụ được phải nhổ bỏ phơi ngập trắng cánh đồng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới có công văn hỏa tốc đến Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản yêu cầu khẩn trương, tiếp tục kiểm tra thông tin báo chí phản ánh để báo cáo Bộ trưởng trước ngày 19/3 để có biện pháp “giải cứu”.

Nhưng đến nay vẫn chưa thấy Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp “giải cứu” củ cải, su hào mà mới đây chỉ thấy hệ thống siêu thị tại Hà Nội và TP HCM đã tìm đến thu mua và kêu gọi bán hàng không lợi nhuận nhằm giúp đỡ nông dân vượt qua khó khăn.

Trong khi chưa “giải cứu” được củ cải, su hào thì lại đến lượt khoai tây rớt giá mạnh mà báo chí truyền thông đã phản ánh, liệu Bộ NN&PTNT có tính đến chuyện “giải cứu” loại rau củ này?

Năm nay, bà con được mùa khoai tây nhưng rớt giá lại không có thương lái thu mua nên nhiều diện tích khoai đã bị thối, hỏng rất nhiều. Hiện nay, bà con chủ yếu mang ra chợ bán lẻ, bán cạnh đường với giá 3.000- 4.000 đồng/kg nhưng không bán được là mấy.

Tại xã Khánh Khê (Văn Quang, Lạng Sơn), hơn 3,5 ha trồng khoai tây, phần lớn đang vào vụ thu hoạch nhưng nhiều gia đình không buồn dỡ khoai do giá xuống quá thấp. Thời tiết nồm ẩm khoai không để được lâu, nhiều nhà đành dỡ và chế biến cho lợn, gà ăn.

Nông dân xã Khánh Khê cho biết mức giá khoai tây như hiện nay là không có lãi. “Tiền giống, phân bón…. Cũng mất tiền triệu rồi, nhưng giá cả thế này thì không thu nổi tiền vốn bỏ ra. Năm nay khoai tây được mùa, củ to và mượt nhưng lại không có thương lái thu mua như mọi năm, bán rẻ còn không ai mua…

Hoạt động giải cứu Khoai tây của Hội thiện nguyện Hữu Lũng - Lạng Sơn; Ảnh Internet


Không thấy Bộ NN&PTNN lên tiếng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã đứng ra kêu gọi “Giải cứu khoai tây Chi Lăng 5000đồng/kg” (bằng 1/3 mức giá bình thường ngoài thị trường) cho bà con nông dân nơi miền núi khó khăn đang khắc khoải trong cơn được mùa mất giá, phá sản vì khoai tây. Đoàn thanh niên Huyện Chi Lăng tình nguyện chịu toàn bộ chi phí vận chuyển để giải cứu trước mắt 50 tấn khoai cho bà con. Hội thiện nguyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) và những người thiện nguyện của “CLB Sống để yêu thương” do bạn Tạ Thị Vân ở xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội làm nhóm trưởng hưởng ứng “Giải cứu khoai tây huyện Chi Lăng” với giá 5000đ/kg..

Tại huyện Ý Yên, Nam Định cũng xảy ra tình trạng tương tự, không khỏi xót xa. Nông dân thu hoạch khoai tây được mùa nhưng thương lái gom mua chỉ 3.000 đồng một kg. Cứ đà này lại đổ bỏ hết.

Cách đây gần 2 tháng, đầu mùa thu hoạch, khoai tây còn bán lẻ với giá 8.000- 10.000/kg, thậm chí còn hơn nhưng lúc đó chưa thu hoạch, chỉ chọn thu củ to mang bán. Nhưng trong gần 1 tháng trở lại đây, đến mùa thu hoạch thì giá lại rớt thảm hại xuống hơn một nửa, khoảng 3.000- 4.000/kg còn không ai mua khiến nông dân đối diện với cảnh thua lỗ.

Trong khi người dân trồng khoai tây đang trong cảnh "điêu đứng" vì rớt giá, thì tại các siêu thị loại nông sản này vẫn có giá bán 18.000 - 20.000 đồng một kg, cao gấp 5-7 lần giá thu mua tại vườn.

Đây lại thêm một bài học cho nông nghiệp, mông dân, đặc biệt là cho những hộ nông dân sản xuất nông sản hàng hóa phải gắn với thị trường. Khi thị trường biến động giữa cung và cầu, ngành nông nghiệp phải chủ động nắm sát tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương phải có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến dư thừa như rau củ, quả đầu năm Mậu Tuất này, hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại cho nông dân.

Một vấn đề cấp bách giúp khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá” là quy hoạch sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể là quản lý nguồn "cung" sản phẩm để tạo sự tương quan với lượng “cầu” sản phẩm ấy trên thị trường để tránh dư thừa cũng như không để xảy ra khan hiếm.

Việc tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu được xem là lối mở cho hàng nông sản trong thời gian tới. Do đó, cần đầu tư mạnh hơn cho nông nghiệp để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, hướng đến tăng trưởng bền vững, đồng thời hình thành được chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Chất lượng nông sản sạch, an toàn sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp.

Từ việc dư thừa nhiều loại rau củ năm nay, trong đó có khoai tây, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn khuyến cáo nông dân cần có liên kết trong sản xuất, sản xuất theo tín hiệu thị trường. Cục Trồng trọt sẽ tăng cường tuyên truyền hướng dẫn bà con và có những thông tin cảnh báo kịp thời về thị trường để bà con yên tâm sản xuất, đủ đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thị trường.

Vũ Xuân Bân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/khoai-tay-duoc-mua-rot-gia-the-tham-lieu-co-duoc-giai-cuu-60785