Khoai tây, cà rốt, bắp cải Trung Quốc 'biến' thành rau củ quả Đà Lạt như thế nào?

Rau củ quả Đà Lạt bị 'tấn công' bởi hàng Trung Quốc. Vậy hàng Trung Quốc đã 'đội lốt' sản phẩm Đà Lạt như thế nào?

Khoai tây Trung Quốc được nhuộm đất đỏ Đà Lạt

Theo báo Thanh Niên, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thuộc Công an TP. Đà Lạt đột xuất kiểm tra cơ sở chế biến nông sản của bà Nguyễn Thị Kim Hiệp, tại khu Tự Phước, P.11 (Đà Lạt), phát hiện nơi đây đang "nhuộm" đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc.

Tại hiện trường có khoảng 4 tấn khoai tây Trung Quốc, trong đó một lượng lớn khoai tây Trung Quốc đã được “khoác áo” đất đỏ Đà Lạt, cùng với các tang vật như máy trộn, đất đỏ để nhuộm khoai.

Bà Hiệp khai nhận việc rửa, trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc là làm theo yêu cầu đặt hàng của vựa rau chợ đầu mối tại Q.Thủ Đức (TP.HCM). Sau khi "nhuộm" đất đỏ xong, khoai tây được đóng bao và chuyển về TP.HCM bán với giá 8.500 đồng/kg.

Bà Hiệp khai nhận, mỗi tháng cơ sở của bà cung cấp từ 6 đến 12 tấn khoai tây Trung Quốc đã "nhuộm" đất đỏ Đà Lạt cho các chợ đầu mối tiêu thụ.

Đáng lưu ý, trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Đà Lạt đã phát hiện tại quầy số 19, Chợ nông sản Đà Lạt của bà Đoàn Thị Chè, có một nhóm lao động đang thực hiện việc rửa và trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc. Cơ quan chức năng đã lập biên bản tạm giữ 1 máy rửa khoai, 1 máy nổ và 1 tấn khoai tây.

Báo Người lao động dẫn lời chia sẻ "kinh nghiệm" biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt của một chủ vựa khác cho biết, khoai tây Trung Quốc khi nhập về phải rửa thật sạch, sau đó để ráo nước, trộn đất vào và phải để từ 2-3 ngày cho khoai thấm đất và khô.

 Khoai tây Trung Quốc được “khoác áo” đất đỏ Đà Lạt để "biến hình". Ảnh: Thanh Niên

Khoai tây Trung Quốc được “khoác áo” đất đỏ Đà Lạt để "biến hình". Ảnh: Thanh Niên

Có như vậy khoai mới nổi bật màu lên được, bằng mắt thường rất khó nhận ra đâu là khoai tây Trung Quốc, đâu là khoai tây Đà Lạt.

Sau khi hoàn thiện, các chủ vựa sẽ đóng gói và dán nhãn mác hàng Đà Lạt để đưa về các chợ đầu mối, sau đó giao cho các tiểu thương nhỏ bán ra chợ truyền thống.

Cà rốt cũng được trộn với đất đỏ để “biến hình”

Cũng theo báo Người lao động, nếu mua cà rốt Trung Quốc số lượng trên 10 tấn sẽ được tặng kèm nhãn hiệu và giấy tờ chứng minh hàng của Đà Lạt, sau đó lấy cà rốt trộn với đất đỏ ở đó rồi chỉ việc thuê xe từ kho hàng về TP HCM.

Đối với cà rốt, không thể làm theo cách trộn đất như khoai tây mà phải đào hố bỏ xuống, sau đó dùng đất của Đà Lạt phủ lên, tưới thêm nước rồi để khoảng vài ngày thì bới lên đóng theo từng túi từ 10-50 kg, tùy đơn hàng.

Hiện giá cà rốt tại Đà Lạt lên đến 16.000 đồng/kg, trong khi hàng ở Trung Quốc chỉ 5.500 đồng/kg. Tính ra, mỗi lô hàng trộn vào làm giả có thể lời 20-30 triệu đồng.

Bắp cải, hành tây, tỏi … nằm trong danh sách bị “phù phép”

Hành tây Trung Quốc để la liệt ở chợ Pò Chài chuẩn bị "hóa kiếp" thành hàng Đà Lạt. Ảnh: Người lao động

Theo điều tra của báo Người lao động, không chỉ cà rốt, khoai tây mà hiện tỏi bán tại Việt Nam phần lớn cũng lấy từ Trung Quốc.

Tờ báo dẫn lời một nhân công Việt Nam cho biết giá tỏi Trung Quốc rất thấp, để có thể về Việt Nam bán được giá cao thì phải trộn với tỏi Phan Rang, tỏi Bắc Giang; sau đó đóng gói, dán nhãn Việt Nam thì sẽ bán giá gấp đôi.

Bên cạnh đó, hành tây, bắp cải cũng được đưa từ Trung Quốc về Việt Nam khá nhiều. Tại Trung Quốc, nhữngquả bắp cải to gần gấp đôi loại trồng ở Đà Lạt hoặc Sapa, tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, giá mà thương lái đưa ra chỉ 1.400 đồng/kg.

Khi về đến Việt Nam, các vựa sẽ tiến hành các bước để biến lượng rau củ quả Trung Quốc xanh bóng trở nên xấu xí hơn nhằm qua mắt người tiêu dùng.

Hà Thu (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/khoai-tay-ca-rot-bap-cai-trung-quoc-bien-thanh-rau-cu-qua-da-lat-nhu-the-nao-d148246.html