Khoai lang tím và khoai lang vàng loại nào dinh dưỡng hơn?

Mặc dù hầu hết các loại khoai lang đều có hàm lượng vitamin và khoáng chất tương tự nhau, nhưng điểm khác biệt nổi bật là chất chống oxy hóa.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đầu ra của khoai lang gặp nhiều khó khăn khiến giá của loại sản phẩm này đạt mức rẻ kỷ lục, chưa tới 1.000 đồng/kg. Nhiều cuộc vận động giải cứu ra đời nhằm giúp đỡ bà con nông dân trên cả nước thoát được cảnh thua lỗ.

Bên cạnh việc giải cứu nông sản thì ăn khoai lang mang lại rất nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể. Hiện nay có rất nhiều loại khoai lang như khoai lang tím, khoai lang vàng, khoai lang trắng... Vậy dinh dưỡng trong các loại khoai lang này có giống nhau. Bài viết này sẽ chỉ ra những điểm khác biệt thú vị giữa khoai lang tím và khoai lang vàng.

Theo Livestrong, hầu hết các loại khoai lang đều chứa các thành phần dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất chống oxy hóa tương đương nhau. Tuy nhiên mỗi một loại khoai lại có thế mạnh riêng của mình.

Đơn cử, cứ trong 100g khoai lang tím sẽ chứa 1.59g protein, trong khi đó khoai lang vàng chỉ chứa 1.26g. Với hàm lượng đạm cao, khoai lang tím là món ăn phù hợp cho người có miễn dịch kém, người lao động chân tay...

Khoai lang tím chứa nhiều protein. Ảnh: N.Trí

Khoai lang tím chứa nhiều protein. Ảnh: N.Trí

Không chỉ thế, hàm lượng canxi trong 100g khoai lang tím chứa 45.2mg, cao gấp 1,28 lần so vói khoai lang vàng, sắt chứa 1.7g cao gấp 1.42 lần so với khoai lang vàng và lượng magie 23.8g trong khoai tím cũng cao gấp 1.63 lần so khoai lang vàng.

Tuy nhiên khoai lang vàng cũng có những lợi thế riêng. Chẳng hạn như nó chứa nhiều vitamin C, trong 100g khoai lang vàng chứa tới 10.96mg vitamin C, trong khi đó với cùng khối lượng khoai lang tím chỉ chứa 5.96mg. Điều này rất tốt cho những người cần bổ sung miễn dịch cho cơ thể.

Khoai lang vàng giàu vitamin C. Ảnh:HQ

Bên cạnh đó, màu sắc của khoai lang cũng quyết định nguồn gốc và số lượng chất chống oxy hóa. Cụ thể, trong khoai lang có thịt màu cam vàng rất giàu carotenoid, còn khoai lang có phần thịt màu tím lại giàu anthocyanin.

Carotenoid có chức năng như một nguồn cung cấp vitamin A, giúp tăng cường hệ miễn dịch và giúp cho đôi mắt khỏe mạnh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trong khoai lang tím cũng chứa một hàm lượng carotenoid phong phú, thậm chí trong 100g khoai lang tím chứa tới 2.3mg carotene, gấp 1.48 lần so với khoai lang vàng.

Trong khi đó anthocyanin có trong khoai lang tím, không được tìm thấy trong khoai lang vàng, là một chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng chống tiểu đường, chống viêm, chống vi khuẩn và chống béo phì. Trong một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Food and Nutrition Research, các nhà khoa học còn chỉ ra hợp chất anthocyanin còn giúp cơ thể tim mạch và chống lại ung thư.

Tuy nhiên các nhà khoa học cũng chỉ ra, tác dụng ngăn ngừa ung thư của chất anthocyanin trong khoai lang tím thực sự không mang lại hiệu quả quá rõ rệt như mong muốn.

Do đó, tùy vào nhu cầu sử dụng của người dùng, mà mỗi loại khoai lang lại phát huy một tác dụng khác nhau.

Nguồn PLO: https://plo.vn/an-sach-song-khoe/khoai-lang-tim-va-khoai-lang-vang-loai-nao-dinh-duong-hon-991052.html