'Khoác áo mới' cho Vành đai, Con đường

Trung Quốc đến nay đã chi khoảng 1.000 tỉ USD để mở rộng ảnh hưởng trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh thông qua chương trình phát triển cơ sở hạ tầng 'Vành đai, Con đường (BRI)'. Giờ đây, Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc đại tu đối với sáng kiến đang gặp rất nhiều khó khăn này.

Trung Quốc đến nay đã chi khoảng 1.000 tỉ USD để mở rộng ảnh hưởng trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh thông qua chương trình phát triển cơ sở hạ tầng “Vành đai, Con đường (BRI)”. Giờ đây, Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc đại tu đối với sáng kiến đang gặp rất nhiều khó khăn này.

BRI 2.0

Theo đó, sau gần một thập niên “hào phóng” đối với các khoản cho vay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang thảo luận về một chương trình thận trọng hơn gọi là BRI 2.0 nhằm đánh giá chặt chẽ hơn các dự án mới trước khi cấp vốn. Họ cũng trở nên cởi mở trong việc chấp nhận chuyện bị lỗ trong cho vay và tái cơ cấu nợ, điều mà trước đây họ không thể chấp nhận.

Một góc cảng Hambantota của Sri Lanka. Ảnh: AFP

Một góc cảng Hambantota của Sri Lanka. Ảnh: AFP

Từng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “dự án của thế kỷ” nhưng cuộc đại tu đối với BRI cho thấy những giới hạn trong tham vọng định hình lại trật tự toàn cầu của ông. Tại cuộc họp với các quan chức cấp cao Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, nhà lãnh đạo quốc gia đông nhất thế giới lưu ý rằng môi trường quốc tế đối với BRI “ngày càng phức tạp”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường kiểm soát rủi ro và mở rộng hợp tác. Do đó, các ngân hàng Trung Quốc đã phải giảm mạnh các khoản cho vay đối với các dự án mới ở các nước thu nhập thấp, đồng thời tập trung thu gọn danh mục cho vay hiện có.

Thời gian qua, Trung Quốc bắt đầu làm việc với các bên cho vay khác để giải quyết “vũng lầy nợ” hiện tại. Ðể làm được như vậy, Bắc Kinh đã phải “hạ mình” hợp tác với các tổ chức quốc tế như Câu lạc bộ Paris - hiệp hội các quốc gia chủ nợ có chủ quyền gồm Mỹ, Nhật Bản và Pháp. Hiện câu lạc bộ này đang phối hợp với các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) để đàm phán xóa nợ cho một số quốc gia - quá trình có thể buộc các ngân hàng Trung Quốc chấp nhận thua lỗ, điều mà họ từ lâu phản đối. Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố khẳng định “sẽ làm việc với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của hợp tác BRI”.

“Ngoại giao bẫy nợ”

Theo Nhật báo Phố Wall, nguồn gốc của sáng kiến BRI bắt nguồn từ hơn một thập niên trước khi Trung Quốc nhận thấy việc mở rộng phạm vi tiếp cận giúp các tổ chức tài chính nhà nước kiếm được lợi nhuận tốt hơn. Do đó, giới chức nước này khuyến khích các bên cho vay “tài trợ” cho các dự án như khai thác mỏ và xây dựng đường sắt để tạo điều kiện cho các nước đang phát triển giàu tài nguyên thiên nhiên cung ứng cho thị trường Trung Quốc và tạo ra công ăn việc làm cho các nhà thầu Trung Quốc.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã mở rộng những nỗ lực đó và thúc đẩy BRI như là một phần trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh và xây dựng thị trường cho hàng hóa Trung Quốc.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trong một thập niên, Bắc Kinh đã cho gần 150 nước vay khoảng 1.000 tỉ USD để hiện thực hóa các dự án phát triển, qua đó lần đầu tiên trở thành chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới.

Chính sự “hào phóng” của Trung Quốc đã khiến nhiều nước “lâm nợ”. Không trả được nợ, Sri Lanka hồi năm 2017 đã phải cho Trung Quốc thuê cảng nước sâu Hambantota trong vòng 99 năm để “khất” khoản nợ 1,1 tỉ USD. Giới phê bình Sri Lanka xem đây là một ví dụ của chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/-khoac-ao-moi-cho-vanh-dai-con-duong-a151749.html