Khoác 'áo mới' cho ngành cao su

Liên tiếp những năm gần đây, giá xuất khẩu cao su xuống thấp. Nhiều vùng người dân đã phải bỏ cây cao su để thay thế bằng loại cây trồng khác phù hợp hơn. Để 'vàng trắng' một thời thoát khó, cần thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm cũng như thị trường.

Theo quy hoạch đến năm 2020 diện tích cao su mới đạt 800.000 ha, tuy nhiên đến năm 2018, diện tích đã đạt 965.000 ha Ảnh: Nguyễn Thanh.

Theo quy hoạch đến năm 2020 diện tích cao su mới đạt 800.000 ha, tuy nhiên đến năm 2018, diện tích đã đạt 965.000 ha Ảnh: Nguyễn Thanh.

Dựa dẫm thị trường Trung Quốc

Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy: Khối lượng và giá trị XK cao su 11 tháng năm 2019 ước đạt 1,53 triệu tấn và 2,06 tỷ USD, tăng 9,9% về khối lượng và tăng 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc vẫn là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng năm 2019, chiếm thị phần lần lượt là 65,3%, 8,8% và 3%. Tiếp nối đà giảm giá trong những năm gần đây, giá cao su XK bình quân 10 tháng năm 2019 đạt 1.353 USD/tấn, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Bộ NN&PTNT: Việt Nam có sản lượng cao su đứng thứ ba thế giới, tuy nhiên, có đến trên 80% cao su thiên nhiên được XK dưới dạng chế biến thô. Công nghệ chế biến còn hạn chế so với các nước trong khu vực, chưa đáp ứng được nguyên liệu cho ngành công nghiệp cao su trong nước. Đáng chú ý, Trung Quốc luôn là thị trường XK cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam, tiêu thụ trên 65% tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam và đang trong xu hướng tăng lên.

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá: Sau hơn 100 năm phát triển, ngành cao su ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong ngành nông, lâm nghiệp Việt Nam, là mặt hàng nông sản có giá trị XK lớn mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể. Tuy nhiên, ngành cao su ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Điển hình như, diện tích cao su tăng nhanh, một số vùng trồng ngoài quy hoạch, không phù hợp, có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội khó khăn như gió, bão, rét đậm kéo dài. Bên cạnh đó, giá cao su trên thị trường thế giới suốt giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019 giảm xuống thấp. Ngoài ra, yếu tố không thể không nhắc tới là sản phẩm cao su chế biến của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc...

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam bày tỏ quan điểm: Việt Nam có sản lượng cao su cao, năng suất hàng đầu thế giới nhưng vấn đề thị trường, chiến lược sản phẩm lại hoàn toàn bị động. Khi tình hình khó khăn, nếu một số nước có sản lượng cao su thiên nhiên lớn như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… có chính sách hỗ trợ DN linh hoạt thì Việt Nam mới chỉ có chính sách chung, chưa cụ thể, kịp thời…

Nâng chất lượng, đổi cơ cấu sản phẩm

Theo ông Trần Ngọc Thuận, với thực trạng hiện nay, ngành cao su cần phải thúc đẩy tái cơ cấu. Trong đó, quan trọng là cần có chủ trương, chính sách phát triển từ Chính phủ, các cấp, bộ, ngành sát sao hơn với sự phát triển của ngành cao su Việt Nam, bên cạnh sự tự thân vận động, củng cố nội lực của các DN.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Giải pháp đặt ra là chuyển đổi diện tích cao su không phù hợp với điều kiện phát triển trong các tiểu vùng hoặc có năng suất chất lượng kém sang cây trồng khác hiệu quả hơn; tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn cây cao su, phấn đấu tăng sản lượng cao su trung bình từ 3 - 4%/năm; đồng thời đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến nhằm thay đổi cơ cấu sản phẩm nguyên liệu cao su để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường XK và nhu cầu ngành công nghiệp cao su trong nước.

“Các DN cao su cần đa dạng hóa thị trường, kết hợp với việc giảm giá thành, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Các nhà sản xuất nguyên liệu cao su trong nước cần chuyển đổi cơ cấu, chủng loại và chất lượng sản phẩm cao su cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ ngành công nghiệp cao su trong nước”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Về lối đi giúp ngành cao su vượt qua giai đoạn khó khăn, ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) kiến nghị: Giữ nguyên quy hoạch phát triển cao su theo Quyết định 750/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển cao su đến năm 2020 (đến năm 2020 diện tích cao su ổn định 800.000 ha, sản lượng mủ đạt 1,2 triệu tấn, kim ngạch XK đạt 2 tỷ USD-PV); giảm diện tích cao su ở những khu vực có điều kiện thuận lợi sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn và phát triển các khu công nghiệp phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ ở các địa phương.

Về hạch toán bán gỗ, củi cây cao su, ông Bảo kiến nghị cho phép các công ty thành viên Tập đoàn được phép hạch toán các khoản thu từ bán gỗ, củi cao su sau khi thu hoạch mủ chỉ là sản phẩm thông thường như những cây rừng khác… (sản phẩm lâm nghiệp) cũng như được ưu đãi về thuế như sản phẩm mủ cao su (nếu có).

Theo Bộ NN&PTNT: Trong 8 năm (từ năm 2011 đến 2018), diện tích cao su cả nước tăng nhanh từ 801.600 ha năm 2011 lên 965.000 ha năm 2018. Theo định hướng quy hoạch cao su cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện diện tích cao su đã vượt quy hoạch khoảng 165.000 ha.

Hiện nay, diện tích cao su tiểu điền còn chiếm tỷ lệ khá lớn, chiếm tới 53,2% tổng diện tích với hơn 265.000 hộ gia đình trồng cao su. Người dân trồng và thu hoạch cao su nhỏ lẻ, thiếu liên kết, kỹ thuật, quy trình chăm sóc khó kiểm soát ở tất cả các khâu, chất lượng thiếu ổn định, tác động không tốt đối với thị trường sản xuất. Giá nguyên liệu cao su tiểu điền thường thấp hơn từ 1-1,5 triệu đồng/tấn so với giá cao su đại điền vì chất lượng kém hơn và do qua nhiều khâu trung gia thu gom. Trong điều kiện giá cao su xuống thấp, người dân bắt đầu chuyển đổi từ cây cao su sang các loại cây trồng khác xuất hiện ở những nơi thuận lợi phát triển cây trồng có lợi hơn cao su.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/khoac-ao-moi-cho-nganh-cao-su-116991-116991.html