Khoa học và công nghệ biển phải trở thành động lực phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta

Phát triển kinh tế biển xanh và bền vững ở nước ta là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và mỗi người dân, trong đó khoa học và công nghệ (KHCN) được xác định là một trong ba khâu đột phá quan trọng.

Kinh tế biển đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân, nhưng quy mô phát triển đến nay chưa tương xứng với tiềm năng và những giá trị mà biển đem lại.Bên cạnh đó, trên con đường phát triển bền vững kinh tế biển, Việt Nam cũng đang đứng trước những lựa chọn, hoặc phải bứt phá để vươn lên hoặc chấp nhận sự tụt hậu.

Phát triển kinh tế biển xanh đã được lựa chọn làm nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và xa hơn theo tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là con đường để Việt Nam vừa tăng trưởng kinh tế biển, vừa thích ứng với biển đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ được tài nguyên, môi trường, bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển cả trong ngắn hạn và dài hạn, hướng tới phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững. Phát triển kinh tế biển xanh phải dựa trên nền tảng KHCNtiên tiến, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cần có sự thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân(1).

PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN XANH VÀ NHU CẦU KHCN

Kinh tế biển xanh lấy môi trường và tài nguyên làm “chất xúc tác” cho tăng trưởng, thoát dần nền “kinh tế biển nâu”, chú trọng tăng cường phúc lợi xã hội lâu dài. Kinh tế biển xanh thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững dựa trên tăng cường đầu tư vào duy trì và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tự nhiên biển,bao gồm các dịch vụ hệ sinh thái biển, ven biển và đảo. Đây cũng là luận điểm cơ bản của Chiến lược biển 2030 khi xem kinh tế biển xanh là một phương thức phát triển mới và trở thành xu hướng chủ đạo của phát triển bền vững kinh tế biểnnước ta trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển ở nước ta chưa thực sự gắn kết chặt chẽ, chưa hài hòa được lợi ích giữa các bên liên quan, thậm chí xung đột lợi ích trong phát triển kinh tế biển có chiều hướng gia tăng. Ô nhiễm môi trường biển có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, trong khi các giải pháp ứng phó còn hạn chế, chưa có nhiều kết quả cụ thể.

Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan cùng với các hành vi hủy hoại môi trường, làm suy thoái tài nguyên biển, thậm chí cả ở các quần đảo san hô Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã và đang xảy ra với tốc độ đáng lo ngại. Nguồn vốn tựnhiên biển đang bị bòn rút nhanh chóng và có dấu hiệu cạn kiệt dưới sức ép của khai thác quá mức phục vụ phát triển “nóng” ở mức độ khác nhau trong tất cả các lĩnh vực kinh tế biển. Đặc biệt, kinh tế biển xanh còn là vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam, nên nhận thức về vấn đề này của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí rất khác biệt. Đó là các thách thức lớn về môi trường và tài nguyên biển cả trong ngắn hạn và dài hạnliên quan tới biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cách ứng xử của con người. Vì thế, Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (Mục tiêu 14) của Liên hiệp quốc về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển đến năm 2030 đã trở thành “thước đo trình độ phát triển” của các quốc gia(2).

Phát triển kinh tế biển xanh cũng đòi hỏi phải có các giải pháp xanh (Blue solution) được áp dụng ở cả cấp quốc gia và cộng đồng. Cho nên, hợp tác quốc tế của các ngành kinh tế biển,bao gồm lĩnh vực nghiên cứu KHCN biển là một nhu cầu thực tế, khách quan. Vấn đề này cũng được nhấn mạnh trongChiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2050(3). Đồng thời cũng được đề cập trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, “Lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.

KHCN - ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN XANH

Khoa họclà một tập hợp những hiểu biết về tự nhiên, xã hội và tư duy về các quy luật khách quan của sự phát triển của chúng trên cơ sở thực tiễn xã hội. Công nghệ là một tập hợp những hiểu biết hướng vào cải tạo tự nhiên, phục vụ các nhu cầu thực tế của con người. Các công nghệ trong sản xuất là một tập hợp các phương pháp, các quy tắc, các kỹ năng, được sử dụng để tác động vào đối tượng lao động nhằm tạo ra một dạng sản phẩm nào đó. Sự tác động đó thường phải thông qua các phương tiện vật chất (máy móc, trang bị, công cụ,...). Cho nên, khi nói về công nghệ phải xem xét cả hai khía cạnh: phần mềm và phần cứng. Còn kỹ thuật thường được hiểu là một tập hợp các máy móc, thiết bị, cũng như các hệ thống và phương tiện được tạo lên nhằm các mục đích sản xuất hoặc phục vụ các nhu cầu khác của xã hội. Do đó, kỹ thuật và công nghệ liên quan mật thiết với nhau, trong không ít trường hợp gần như đồng nghĩa và giữa chúng chỉ được phân biệt tương đối(4).

Lịch sử phát triển thế giới chỉ ra rằng KHCN có 3 giá trị cốt lõi mang tính quốc tế rất rõ nét: 1) phục vụ cho phát triển kinh tế; 2) tạo ra tri thức mới phục vụ nhân loại; và 3) tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Chính những giá trị này đã đưa KHCN của mỗi quốc gia đến gần với nhau hơn trong một thế giới toàn cầu hóa và ngày càng liên kết chặt chẽ như hiện nay để tạo ra một xu thế hội nhập KHCN mạnh mẽ và không thể đảo ngược(5). Theo Yves Michaud(6), bước sang thế kỷ XXI, cuộc sống con người tiếp tục được cải thiện dựa trên nền tảng của những tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt của cuộc Cách mạng 4.0. Đó là một cơ hội mới khi xem tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ là nền tảng của các tiến bộ xã hội. Theo đó, KHCNtrở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có kinh tế biển xanh.

Ở nước ta, bên cạnh các chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế nhanh và bền vững, vai trò của KHCN cũng được cụ thể hóa trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1991 đã chỉ rõ: KHCN cùng với giáo dục và đào tạo phải được coi là quốc sách hàng đầu. KHCN giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất, phân bố lại lực lượng lao động các ngành, nghề biển; nâng cao trình độ quản lý, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, sinh thái biển; bảo đảm chất lượng và tốc độ phát triển kinh tế biển; góp phần tích cực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt ra yêu cầu, phát huy và nâng cao vai trò của KHCN mang “bản sắc Việt Nam”.

Khoa học và Công nghệ là nội dung được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài viết Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới: “Thực hiện nhất quán chủ trương KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Mới đây, các quan điểm chiến lược lớn về KHCN một lần nữa được nhấn mạnh và làm rõ trong bài viết quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng(7). Đây không chỉ là chủ trương gợi mở cho Đại hội XIII sắp tới, mà còn là những định hướng nhiệm vụ khái quát, có tầm chiến lược, xuyên suốt trong thời gian dài sắp tới về KHCN biển nước nhà.

Triển khai chủ trương này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, vừa đáp ứng được các yêu cầu lâu dài, vừa có trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên thực hiện. KHCN phải gắn liền với thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và quay trở lại giải quyết được các vấn đề của thực tiễn.Người đứng đầu Đảng và Nhà nướccũng chỉ ra mức độ gắn kết của KHCN với tư cách là động lực phát triển đất nước và để thực hiện thành công cần phải cụ thể hóa thành những định hướng chiến lược KHCN quốc gia, bao gồm các hành động phù hợp với thực tế và bối cảnh của đất nước. Trước mắt là các tác động mạnh mẽ, khó lường và diễn biến nhanh chóng của tình hình Biển Đông, của đại dịch COVID-19 và của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia.

Thời gian tới, để đưa nền kinh tế biển nước ta phát triển nhanh và bền vững, KHCN phải là khâu đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đa dụng, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, kinh tế biển tuần hoàn, tự động hóa, di động hóa và giám sát đáy biển, v.v..Có thể nói, nguồn vốn đầu tư cho một “đơn vị biển” thường lớn hơn rất nhiều so với trường hợp tương tự trên đất liền, cho nên hoạt động khai thác biển đòi hỏi phải là những ngành, nghề có “hàm lượng KHCN” cao mới đạt được hiệu quả ổn định trong dài hạn. Trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn còn lạc hậu (chưa muốn nói là khá lạc hậu) so với khu vực thì đầu tư phát triển KHCN biển trong thời gian tới cần phải ưu tiên cao và phải được xem là khâu quyết định chất lượng tăng trưởng bền vững các lĩnh vực của kinh tế biển. Trước yêu cầu nói trên, từ Nghị quyết 09 - NQ/TW, ngày 9/2/2007 của Hội nghị Trung ương 4 khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đếnNghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều đưa ra các định hướng cơ bản và giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ dài hạn của KHCN biển.

Cùng với việc mở rộng và khai thác biển theo hướng vươn ra xa hơn và xuống sâu hơn, nước ta cần chú trọngphát triển mạnh các hướng KHCN biển then chốt của thế giới, như: Công nghệ khảo sát thăm dò tài nguyên, đặc biệt là dầu khí và khoáng sản biển sâu; Công nghệ sinh học trong nuôi trồng hải sản, tách chiết các hợp chất thiên nhiên trong sinh vật biển; Khai thác vật liệu, hóa phẩm trong nước biển;Công nghệ tiến tiến (dàn nổi, di động, bảo quản, vận chuyển, chế biến,...) trong ngành dầu khí và băng cháy; Công nghệ hóa lý (nhất là công nghệ màng) trong khai thác nước ngọt từ nước biển; Công nghệ dự báo nguồn lợi hải sản trên phạm vi quốc gia; Công nghệ quan trắc và dự báo ô nhiễm môi trường biển, xử lý sự cố ô nhiễm; Công nghệ xây dựng công trình biển, thiết kế thi công, chẩn đoán công trình cố định và công trình nổi có neo, bảo vệ bờ biển, cầu cảng; Công nghệ đóng tàu biển; Công nghệ thông tin, dự báo tai biến địa chất biển; Công nghệ khai thác năng lượng biển tái tạo (sóng biển, thủy triều, thủy nhiệt,...), năng lượng gió và mặt trời.Về phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu, cần tăng cường áp dụng những tiến bộ kỹ thuật hiện đại trong điều tra khảo sát biển và đại dương, như: Kỹ thuật viễn thám, công nghệ GPS và GIS, chụp ảnh hồi âm lập thể đáy biển, đo laser từ máy bay vùng ven bờ; phát triển kỹ thuật tự động hóa (nổi, di động, tự động hóa,...) trong quan trắc và khảo sát biển, kỹ thuật lặn sâu, khảo sát đáy biển cực sâu tới 6.000-10.000m. Trong nghiên cứu phát triển mạnh các phương pháp mô phỏng toán học để nghiên cứu, dự báo các hiện tượng, yếu tố tự nhiên biển; đẩy mạnh nghiên cứu sinh học ở mức độ phân tử, phát triển công nghệ sinh học biển. Ứng dụng rộng rãi kỹ thuật tin học vào lưu trữ, quản lý, sử dụng và trao đổi dữ liệu biển.

PHÁT TRIỂN KHCN BIỂN Ở VIỆT NAM TOÀN DIỆN VÀ ĐÚNG TẦM

Sáu yêu cầu đối với KHCN biển để phục vụ phát triển kinh tế biển xanh, bền vững ở nước ta thời gian tới cần chú ý là: Duy trìnguồn vốn tự nhiên biển; Bảo tồn biển và các khu bảo tồn biển; Bảo vệ môi trường và tài nguyên biển; Phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững; Thực thi chính sách, pháp luật hiệu quả trong khai thác, sử dụng biển, đảo và Truyền thông, tuyên truyềnvề kinh tế biển xanh và bền vững.

Đến năm 2030, triển khai một số nhiệm vụ trọng điểm về KHCN phục vụ phát triển kinh tế biển xanh(8) như: 1) Nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá nguồn vốn tự nhiên biển; dự báo xu thế diễn biến tài nguyên và môi trường biển trong điều kiện biến đổi khí hậu. 2) Nghiên cứu và ứng dụng các quy trình công nghệ khai thác, sử dụng tài nguyên biển ít gây tác động môi trường và hạn chế ô nhiễm biển;sử dụng các nguồn năng lượng biển tái tạo và ít tác động môi trường như nhiệt, gió, sóng, thủy triều và sinh khối. 3) Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trong xử lý ô nhiễm và ứng phó sự cố môi trường, thiên tai trên biển. 4) Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp tái tạo và phục hồitài nguyên và môi trường; mở rộng diện tích vùng biển được bảo tồn. 5)Phát triển công nghệ cao, kỹ thuậthiện đại và quy trình tiên tiến phục vụ điều tra nghiên cứu, khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên biển, bảo vệ môi trường.6)Đẩy mạnh giám sát và dự báothiên tai, sự cố môi trường biển bằng các thiết bị hiện đại, công nghệ cao và tăng cường năng lực cho hệ thống trạm quan trắc,phục vụ dự báo và cảnh báo các hiện tượng thời tiết bất thường trên biển. 7) Xây dựng cơ sở khoa học cho phát triển kinh tế, dịch vụ môi trường(nhấn mạnh đến xác định nguồn vốn tự nhiên biển) và xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường. 8) Nghiên cứu xây dựng các quy trình, quy chuẩn quản lý,quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuậtphục vụ xâydựng các chính sách, các quy định pháp luật để sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 9) Nghiên cứu và tư vấn hỗ trợ quá trình hiện thực hóa quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển và quy hoạch không gian biển.

Tóm lại, để phát triển kinh tế biển xanh và bền vững ở nước ta, những nhóm nội dung nhiệm vụ chiến lược cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới là:

Một là, tăng cường năng lực và hiện đại hóa KHCN biển phục vụ lĩnh vực điều tra, nghiên cứu biển và tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành nghề kinh tế biển, bảo đảm an ninh, quốc phòng biển, đảo phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu để đạt được mục tiêu của Chiến lược biển 2030.

Hai là, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ đã được xác định trong Chiến lược biển 2030, cũng như Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về biển và đại dương tại Việt Nam. Xây dựng và thực thi “Chiến lược Phát triển KHCN biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” với các lộ trình phát triển cụ thể định kỳ 5 năm.

Ba là, tái cơ cấu hệ thống KHCN biển quốc gia với hệ thống các viện chuyên ngành về KHCN biển theo vùng và đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm biển trọng điểm quốc gia, đạt “đẳng cấp” khu vực đến năm 2030 và quốc tế đến năm 2045.Xây dựng đội tàu điều tra, nghiên cứu biển, đại dương hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển biển trong tình hình mới và đủ khả năng hội nhập quốc tế về biển và đại dương.

Bốn là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực KHCN biển có trình độ khoa học và kỹ năng kỹ thuật cao, tạo nguồn cho lực lượng cán bộ quản lý biển giỏi đến năm 2030 và những năm tiếp theo./.

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi
Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam

_____________________

(1) Trần Hồng Hà: Xây dựng kinh tế biển xanh - trọng điểm cho phát triển bền vững biển Việt Nam. Báo Nhân dân điện tử ngày 29/9/2018.

(2) UNEP (2020): Regional Seas and SDG14: The contribution of regional seas conventions and action plans to a healthy ocean. A final draft.

(3) Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

(4) Đặng Hữu: Khoa học, công nghệvới sự phát triển kinh tế - xã hội, Nxb. Sự thật, H, 1989.

(5) Triệu Bảo Hoa:Động lực và tác động của hội nhập quốc tế về KHCN từ góc nhìn lý thuyết, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 1/2015.

(6) Yves Michaud: Khoa học, Công nghệ và Phát triển kinh tế - Tập hợp của mọi trí thức (Tài liệu dịch từ tiếng Pháp) Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2000.

(7) Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, Hà Nội ngày 31/08/2020.

(8) Bộ Khoa học và Công nghệ (2018): Tổng kết 10 năm KHCN thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Báo cáo dự thảo, lưu tại Bộ KHCN.

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/khoa-giao/khoa-hoc/khoa-hoc-va-cong-nghe-bien-phai-tro-thanh-dong-luc-phat-trien-kinh-te-bien-xanh-o-nuoc-ta-130291