Khoa học và chính trị đan xen trong chạy đua vaccine COVID-19: Nga có thật sự là bên chiến thắng?

Là quốc gia đầu tiên tuyên bố phát triển thành công vaccine COVID-19, Nga có một lần nữa 'nếm trải' khoảnh khắc phóng vệ tinh đầu tiên lên vũ trụ vào năm 1957?

Hôm thứ 3 (11/8), Tổng thống Vladimir Putin tự hào tuyên bố Nga trở thành nước đầu tiên cấp giấy phép cho một vaccine chống COVID-19. AP đăng tải, thông báo này không tạo ra được hiệu ứng bất ngờ và thán phục như thời điểm Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên lên vũ trụ vào năm 1957. Thay vào đó, mẫu vaccine của Nga lại đối mặt với những phản ứng nghi ngờ về tính an toàn và khoa học.

Nó cũng nhấn mạnh, giống như cuộc chạy đua không gian, đường đua tìm ra vaccine COVID-19 đầu tiên cũng bao gồm những màn cạnh tranh quốc tế bên cạnh tính chất khoa học. Quốc gia đầu tiên phát triển được cách đánh bại virus corona mới sẽ giành được một chiến thắng lịch sử đi kèm với một sự khẳng định mang tính toàn cầu.

Kết quả trên có lẽ chính là những gì Tổng thống Putin mong muốn trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ dành cho ông tại quê nhà đang giảm sút; nền kinh tế Nga đang đối mặt với khủng hoảng và đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát.

"Trở thành nước đầu tiên sở hữu vaccine COVID-19 sẽ mang lại tác động thực sự kinh ngạc cho Điện Kremlin", ông Timothy Frye - giáo sư khoa học chính trị chuyên về chính trị hậu Liên Xô từ Đại học Columbia nhận định.

Nga là nước đầu tiên tuyên bố cấp phép cho một vaccine COVID-19 (ảnh: AP)

Nga là nước đầu tiên tuyên bố cấp phép cho một vaccine COVID-19 (ảnh: AP)

Chắc chắn Nga không phải là nước duy nhất có suy nghĩ như vậy trong cuộc chạy đua phát triển vaccine COVID-19. Một công ty Trung Quốc trước đó từng "khoe" rằng, nhân viên của họ - bao gồm cả các lãnh đạo cấp cao, đều tham gia tiêm vaccine ngay cả trước khi chính quyền cho phép tiến hành thử nghiệm trên người.

Và Tổng thống Donald Trump cũng bày tỏ niềm tin, chính quyền của ông sẽ liên tục gia tăng áp lực cho tới khi có được vaccine, lý tưởng nhất là trước ngày bầu cử tổng thống vào tháng 11.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu ông Putin có "đánh bại" người đồng cấp nước Mỹ trong cột mốc y học này hay không.

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, Bộ Y tế Nga cấp giấy phép sau khi vaccine đã thông qua các thử nghiệm cần thiết. Một trong hai người con gái của ông Putin cũng đã tiêm vaccine. "Chúng ta nên cám ơn những người đã thực hiện bước đi đầu tiên rất quan trọng cho đất nước và toàn bộ thế giới", ông Putin nói.

Do các dữ liệu cụ thể vẫn chưa được công bố nên một số chuyên gia cảnh báo, cần phải thử nghiệm thêm mới có thể chứng minh được tính hiệu quả và an toàn của vaccine. Mặc dù vậy, giới chức Nga cho hay, các bác sỹ nước này sẽ bắt đầu được tiêm vaccine mới ngay trong tháng 8 và việc tiêm rộng rãi sẽ có thể bắt đầu vào tháng 10.

Giới khoa học toàn cầu tỏ ra thận trọng hơn khi nhận định, ngay cả nếu các ứng viên vaccine chứng minh được tính hiệu quả sẽ vẫn cần có thêm thời gian mới có thể khẳng định, hiệu quả đó sẽ kéo dài trong bao lâu.

"Hiện vẫn còn quá sớm để thực sự đánh giá vaccine [của Nga] có hiệu quả hay không", Tiến sỹ Michael Head, học giả cấp cao về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton chia sẻ.

Và tất nhiên cũng quá sớm để gạt bỏ những tuyên bố đầy tự tin của nước Nga.

Mặc dù nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu các tài nguyên thiên nhiên, lịch sử của Liên Xô và giờ đây là nước Nga từng có rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học, y tế và vũ trụ - bao gồm cả việc đưa con người đầu tiên lên vũ trụ vào năm 1961.

"Có khả năng họ đã dồn sức lực và làm được điều đó", cựu nhân viên ngoại giao Mỹ Daniel Fried nói.

Sự ra đời của vaccine COVID-19 có thể giúp gia tăng sự ủng hộ cho ông Putin tại quê nhà cũng như uy tín trên trường quốc tế.

"Họ sẽ muốn có được sự công nhận bởi vì quốc gia đầu tiên phát triển vaccine sẽ dành được danh tiếng to lớn", ông Fried giải thích. Ông từng là thư ký bộ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu-Á và hiện đang làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương.

Trong khi đó, dư luận thế giới đón chào tin tốt từ Moscow với một thái độ khá nhiệt tình. Với số người nhiễm vượt mức 20 triệu và có ít nhất 741.000 người tử vong, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu được kiểm soát trên toàn cầu.

Một số người dân Mỹ tỏ ý sẵn sàng sử dụng vaccine do Nga sản xuất nếu nó được các cơ quan chuyên môn Mỹ, như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) hay Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) – thông qua.

"Tôi không thể chờ được nữa", bà Ferrnanda Henderson đến từ Washington nói. "Tôi không nghĩ CDC và FDA sẽ cấp giấy phép cho một thứ gì đó không hiệu quả".

Tuy nhiên, ngay tại quê nhà, mẫu vaccine mới cũng có khả năng phải đối mặt với ít nhiều nghi ngờ. Theo ông Frye, một kết quả thăm dò ý kiến năm 2018 của Gallup Poll cho thấy, các nước từng thuộc Liên bang Xô-viết có tỷ lệ từ chối dùng vaccine cao nhất thế giới.

"Nếu vaccine mới không có hiệu quả, đó thật sự sẽ là một cú sốc lớn", ông Frye cảnh báo.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/khoa-hoc-va-chinh-tri-dan-xen-trong-chay-dua-vaccine-covid-19-nga-co-that-su-la-ben-chien-thang-20200812163721523.htm