Khoa học góp công lớn nuôi trồng thủy sản

Đó là chia sẻ của TS Đào Văn Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) với Báo NNVN về những thành tựu nghiên cứu khoa học tại Viện III trải qua 35 năm thành lập.

 Trụ sở Viện III

Trụ sở Viện III

Những năm qua các nhà khoa học Viện III đã nỗ lực không ngừng trong việc nghiên cứu và chuyển giao KHCN đưa nghề nuôi trồng thủy sản miền Trung nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về quy mô diện tích, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thành tựu nổi bật

Đáng chú ý nhất của các nhà khoa học Viện III là những kết quả nghiên cứu về sản xuất giống nhân tạo các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua, ốc hương, hàu, sò huyết, trai tai tượng, hải sâm, cá chẽm, cá chình, cá tầm, cá hồi, rong biển… Đồng thời xây dựng quy trình công nghệ nuôi thương phẩm các đối tượng này hiệu quả và bền vững.

Như công nghệ nuôi tôm thâm canh sử dụng các chế phẩm sinh học đạt năng suất cao và bền vững môi trường sinh thái. Trong đó nuôi tôm sú thâm canh cho năng suất đạt 7 - 8 tấn/ha/vụ và nuôi tôm thẻ chân trắng cho năng suất đạt 14 - 15 tấn/ha/vụ.

Hay công nghệ sản xuất giống hàu Thái Bình Dương bám đơn (đã nhận giải thưởng Bông Lúa Vàng Việt Nam lần thứ II năm 2015), với tỷ lệ bám đơn 60%, tỷ lệ thành con giống cấp 1 là 40%. Và, xây dựng thành công quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương bám đơn với tỷ lệ sống đến khi thu hoạch trung bình là 70%.

Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo giun nhiều tơ. Trong quy trình này tỷ lệ sống trung bình từ giai đoạn ấu trùng đến con giống (2cm) ≥20% và năng suất trung bình đạt ≥ 15.000 con/m2. Theo quy trình nuôi này tỷ lệ sống trung bình trong nuôi thương phẩm ≥ 70% và năng suất trung bình đạt ≥1,8kg/m2. Sản phẩm giun nuôi đảm bảo an toàn sinh học, có chất lượng cao hơn về hàm lượng protein, lipid, acid amin và acid béo so với nguồn giun tự nhiên.

Xây dựng quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo cua hoàng đế. Nuôi vỗ cua bố mẹ đạt tỷ lệ sống >90%, tỷ lệ thành thục >80%; ương nuôi ấu trùng đến cua bột đạt tỷ lệ sống 1 - 2%; ương từ cua bột lên cua giống đạt tỷ lệ sống 70 - 80%.

TS. Đào Văn Trí

Công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa theo hình thức công nghiệp. Trong đó, chỉ tiêu ương cá chình bột trắng lên giống cấp I (5 g/con) đạt 70%, tỷ lệ sống từ 5g lên giống cấp II (50 - 80g/con) trên 80%. Công suất 150.000 - 300.000 cá giống cấp II/năm; nuôi thương phẩm cá chình hoa công nghiệp trong hệ thống hở, theo hình thức thay nước hàng ngày, bổ sung oxy bằng máy quạt khí, tỷ lệ sống 80%, năng suất 10 - 12 kg/m3, cỡ thu hoạch 2 kg/con, công suất 20 tấn/năm và nuôi thương phẩm cá chình hoa công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn kín, bổ sung oxy nguyên chất, tỉ lệ sống 80%, năng suất 50 kg/m3, cỡ cá thu hoạch 2 kg/con, công suất 30 tấn/năm.

Nghiên cứu và xây dựng các mô hình sản xuất giống dinh dưỡng một số loài rong biển có giá trị kinh tế như rong sụn cho năng suất trung bình 33 - 36 tấn/ha/năm; rong nho cho năng suất trung bình 40 tấn/ha/năm; rong câu cước cho năng suất trung bình 24,6 tấn giống/ha/năm.

Đặc biệt lần đầu tiên Viện III đã xây dựng được quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng tại Việt Nam. Có thể nuôi đơn nhưng cũng có thể nuôi ghép với tôm/cá, nhằm tận dụng lượng thức ăn dư thừa và chất thải của tôm/cá làm thức ăn cho sá sùng để giảm giá thành, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường...

Sản xuất và nuôi giống cá chình

Việc chuyển giao KHCN đối với các nhà khoa học của Viện III theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Từ đó, người dân tiếp nhận một cách hoàn thiện về kỹ thuật nuôi sao hiệu quả. Chính vì vậy nhiều cơ sở cũng như nhiều địa phương từ miền Bắc, Trung, Nam họ đều yêu cầu Viện III chuyển giao công nghệ đã có.

Bên cạnh đó, Viện III cũng đã chọn tạo thành công tôm thẻ chân trắng bố mẹ nâng cao sinh trưởng và sức sống. Ưu điểm tôm này khác với các đàn tôm bố mẹ nhập nội và các đàn tôm gia hóa là khả năng chịu đựng tốt với biến động lớn về môi trường (biến động nhiệt độ ngày và đêm, biến động độ mặn do mưa…) và dịch bệnh. Tôm chọn giống có khối lượng tăng 28%, tỷ lệ sống cao hơn 17% so với quần đàn ban đầu. Tôm bố mẹ chọn giống có sức sinh sản thực tế trung bình 21.000 Nauplius/tôm mẹ, tỷ lệ sống khi ương từ Nauplius lên Post larvae đạt 50 - 60%...

Nỗ lực chuyển giao

Theo TS Đào Văn Trí, các kết quả nghiên cứu đạt được trong xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm các đối tượng nói trên đã được Viện III chuyển giao rộng rãi đến các hộ nuôi, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trên cả nước. Việc chuyển giao được các cơ quan đánh giá rất tốt. Thật sự đưa được ứng dụng TBKT vào sản xuất thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển cho nghề nuôi trồng thủy sản Việt Nam, mở rộng về quy mô diện tích và cả về quy trình giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, các đối tượng chủ lực như tôm sú và tôm thẻ chân trắng đã chuyển giao cả về sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Nhờ vậy hiện cả nước đã phát triển trên dưới 720.000ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Còn trong nuôi thương phẩm các đối tượng như tôm hùm, cua cũng được Viện chuyển giao các quy trình nuôi và kiểm soát môi trường dịch bệnh.

Hiện nghề nuôi này cũng phát triển khoảng 58.890 lồng. Đặc biệt, nổi bật nghề nuôi ốc hương, hàu và gần đây là các đối tương sò huyết, nghêu, trai tai tượng cũng được Viện chuyển giao cho người nuôi, doanh nghiệp tiếp nhận, đã và đang hoàn thiện và phát triển lên trở thành đối tượng nuôi chủ lực, không chỉ phục vụ cho tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu. Các đối tượng này nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật và giá cả ổn định, người nuôi thu hoạch “bỏ túi” vài trăm triệu đồng/ha, riêng ốc hương thu lãi từ 500 - 700 triệu đồng/ha.

Khoa học thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản phát triển

Cũng theo TS Đào Văn Trí, gần đây Viện đã chuyển giao thành công công nghệ quy trình đặc thù cho từng vùng miền sinh thái. Ví dụ chuyển giao sản xuất tôm thẻ chân trắng bằng cách nhập tôm bố mẹ và cho đẻ tại chỗ cho các tỉnh ĐBSCL - nơi không thể sản xuất được tôm giống vì nguồn nước lợ.

“Hầu hết các tỉnh ĐBSCL nuôi tôm thương phẩm họ phải ra miền Trung mua tôm giống, khiến chi phí và độ hao hụt trong quá trình vận chuyển tăng. Nên họ mong muốn chúng tôi chuyển giao sản xuất giống tại chỗ, cụ thể là tỉnh Trà Vinh cho Cty TNHH SX-DV Thủy sản Thới Bến (TX Duyên Hải). Hàng năm Cty này sản xuất với số lượng từ 30 - 50 triệu con giống, cung cấp khá đủ cho người nuôi địa phương. Và, con giống sản xuất tại chỗ này người dân cơ bản nuôi thắng lợi nhiều. Nguyên nhân là môi trường sống của con giống sản xuất tại chỗ với môi trường nuôi thương phẩm như nhau, cho nên khả năng thích ứng tốt trong tăng trưởng và khả năng hao hụt trong quá trình vận chuyển bị giảm thiểu tối đa. Tôm sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và sản lượng cao hơn. Cụ thể, nếu thả mật đô từ 80 - 100 con/m2, thì năng suất đạt được 15 - 20 tấn/ha”, TS Đào Văn Trí chia sẻ.

Nuôi thành công tôm hùm trên… bờ

Các nhà khoa học ở Viện III đã mở ra “cánh cửa mới” khi thả nuôi tôm hùm trong bể xi măng tuần hoàn nước khép kín trên bờ, kết hợp cho ăn bằng thức ăn công nghiệp.

Kết quả, nuôi tôm hùm bông cỡ 15,5 g/con, mật độ 8 con/m2, sau 18 tháng nuôi, tôm đạt khối lượng trung bình 0,68 kg/con; tỉ lệ sống 71,76%; năng suất đạt 3,91 kg/m2; hệ số thức ăn FCR = 3,22. Tăng trưởng của tôm chậm hơn, tỉ lệ sống thấp hơn so với nuôi tôm trong lồng biển bằng thức ăn tươi. Tuy nhiên tôm có vỏ mỏng, sạch, không bị đen bụng đen mang; có khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch.

KIM SƠ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/khoa-hoc-gop-cong-lon-nuoi-trong-thuy-san-post240601.html