Khoa học dữ liệu - công nghệ định hình tương lai thế giới

Theo GS.TSKH Hồ Tú Bảo, Khoa học dữ liệu đóng vai trò như “bộ não” trong khi những công nghệ số khác tạo ra dữ liệu và thực hiện các hành động.

Ngày16.8, tại hội trường Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Khoa học dữ liệu (KHDL) trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Thách thức và cơ hội của chúng ta?”.

Hội thảo do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức với sự tham dự của các đơn vị thành viên, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ một số tỉnh phía Nam cùng các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, trường viện và một số khách mời khác.

Gần 200 khách mời đã tới tham dự hội thảo “Khoa học dữ liệu trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Thách thức và cơ hội của chúng ta?”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM khẳng định nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sản xuất thông minh kết hợp với số hóa. Những công nghệ như Internet vạn vật (IoT) phát sinh lượng dữ liệu lớn, phức tạp. Nếu được phân tích và xử lý hiệu quả, những dữ liệu đó sẽ cung cấp những thông tin hữu ích, kể cả trong việc ra các quyết sách của quốc gia.

Trong những năm gần đây, sự phát triển của các công nghệ Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn (Big data), IoT hay điện toán đám mây càng đòi hỏi nhu cầu ứng dụng KHDL.

Theo GS.TSKH Hồ Tú Bảo, Chủ nhiệm Chương trình cao học về ICT hướng KHDL của Viện John Von Neumann thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, KHDL đóng vai trò như “bộ não” đưa ra những quyết định trong khi những công nghệ số khác tạo ra dữ liệu và thực hiện các hành động. Bởi vậy, các công nghệ số khác càng phát triển thì ý nghĩa của KHDL trong mọi mặt đời sống càng quan trọng.

GS Bảo còn cho biết, hiện nay nhiều quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... đang đầu tư mạnh tay cho lĩnh vực KHDL để giành lợi thế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông cũng nhận định Việt Nam khó có cơ hội cạnh tranh với các quốc gia đó trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.

Không chỉ các diễn giả có mặt tại hội thảo, các diễn giả đang ở nước ngoài cũng tham gia thảo luận qua Robot của startup OhmniLabs, đối tác của Viện John Von Neumann

Theo các diễn giả, trươc nguy cơ tụt hậu so với thế giới, giới trẻ Việt Nam cần có sự thay đổi về mặt tư duy, chủ động tự học, tự tìm hiểu và biết đặt ra những vấn đề có giá trị thực tế. Bên cạnh đó, các trường học cũng cần điều chỉnh nội dung giảng dạy, trong đó có tăng thêm các nội dung phù hợp về KHDL cho học viên.

Phạm Sơn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khoa-hoc-du-lieu-cong-nghe-dinh-hinh-tuong-lai-the-gioi-c7a559742.html