Khoa học, công nghệ hỗ trợ tích cực ứng phó biến đổi khí hậu

Cần đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; khô hạn, mặn xâm nhập, dông lốc, triều cường thường xuyên xảy ra. Ảnh: Tuyến đê biển Vĩnh Châu bị vỡ hồi tháng 3 năm ngoái. Trung Hiếu/TTXVN

Tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; khô hạn, mặn xâm nhập, dông lốc, triều cường thường xuyên xảy ra. Ảnh: Tuyến đê biển Vĩnh Châu bị vỡ hồi tháng 3 năm ngoái. Trung Hiếu/TTXVN

Tại Hội thảo "Khoa học- Công nghệ ứng phó với biến đối khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường' phục vụ Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/62013 của Ban chấp hành Trung ương, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT) Võ Tuấn Nhân cho biết, sớm nhận rõ được nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, ngày 3/6/2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhằm xây dựng kế hoạch tổng thể, hành động kịp thời trong ứng phó với biến đổi khi hậu (BĐKH) quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thực hiện Nghị quyết nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương phê duyệt và tổ chức triển khai nhiều Chương trình khoa học, công nghệ (KHCN) cấp Quốc gia như: các Chương trình trọng điểm cấp Quốc gia mã số KC.08, KC.09 giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, mã số KC.05/11-15; Chương trình KHCN trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản; Chương trình KHCN ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020”.

Kết quả nghiên cứu đã đề xuất được các giải pháp, các mô hình tích hợp thích ứng, giảm nhẹ BĐKH ở nước ta; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị thông minh với BĐKH. Nhiều mô hình, giải pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH được áp dụng thực tế, chuyển giao cho các địa phương và có khả năng nghiên cứu nhân rộng trong thời gian tới.

Theo PGS.TS Chinh, một số kết quả nghiên cứu KHCN đã có những đóng góp tích cực cho ứng phó, thích ứng với BĐKH như: Xây dựng được mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn góp phần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu bằng các công nghệ hiện đại như công nghệ viễn thám. Cập nhật kịch bản và nâng cao độ tin cậy biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam và vùng Đồng bằng sông cửu Long (ĐBSCL). Đánh giá tác động, tổn thương đến các cây trồng chủ lực như: Lúa, ngô, đậu tương, mía, thủy sản theo kịch bản biến đổi khí hậu; đánh giá sự tác động đối với tài nguyên nước, đất, xây dựng được bản đồ ngập đối với các loại quỹ đất, xu thế diễn biến mặn theo không gian và thời gian ở ĐBSCL.

Kết quả nghiên cứu đã giúp xây dựng được một số mô hình canh tác nông nghiệp (cho lúa, mía, lạc); kế hoạch sử dụng đất thích ứng với biến đổi khí hậu (thí điểm cho An Giang và Bạc Liêu); xây dựng mô hình đô thị ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình làng sinh thái ở ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (thí điểm tại Cà Mau); đề xuất nhóm giải pháp công nghệ: áp dụng các công nghệ chuyển nước mặn thành nước ngọt, các công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nhiên liệu.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, để hóa giải các tác động kép của biến đổi khí hậu và sử dung tài nguyên, phát triển kinh tế, xã hội để phát triển bền vững cần triển khai chiến lược, quy hoạch mới... Chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững dựa vào đánh giá và dự báo định lượng, tin cậy các nguyên nhân của chuyển đổi lớn như diễn biến, tác động, tổn thương của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động của sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, sông Hồng, các sông lớn của nước ta và khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên.

Theo Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, các kết quả nghiên cứu thời gian qua đã chỉ ra Việt Nam bị tổn thương mạnh do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, suy giảm lưu lượng dòng chảy sông từ thượng nguồn.

Đây là cơ sở khoa học, thực tiễn tin cậy để đề xuất các giải pháp, mô hình tích hợp thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu ở Việt Nam gồm: Định hướng nghiên cứu khoa học phục vụ ứng phó biến đối khí hậu; các giải pháp KHCN phục vụ biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị thông minh với biến đổi khí hậu.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khoa-hoc-cong-nghe-ho-tro-tich-cuc-ung-pho-bien-doi-khi-hau-20181025100435394.htm