Khoa Đô thị học, nơi đại biểu Hồng Xuân làm trưởng khoa đào tạo những gì?

Đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh, PGS-TS. Phan Thị Hồng Xuân đang gây 'bão' dư luận với đề xuất trang bị lu cho từng hộ gia đình như một biện pháp chống ngập lụt trong những ngày vừa qua hiện là Trưởng khoa Đô thị học, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Bà Phan Thị Hồng Xuân sinh năm 1973 và được giới thiệu là tiến sỹ chuyên ngành Dân tộc học, cử nhân Luật hành chính, cử nhân Ngữ văn Anh, cử nhân Đông Nam Á học.

Tại trường Đại học KHXH&NV, lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu của bà Xuân là Nhân học văn hóa – xã hội; Các dân tộc và văn hóa các nước Đông Nam Á; Các vấn đề đô thị hóa.

Nhiều ý kiến cho rằng, với chuyên ngành được đào tạo, tại sao bà Xuân lại có thể làm Trưởng khoa Đô thị học, một ngành học nghe qua tưởng như chỉ liên quan đến lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị.

Bà Phan Thị Hồng Xuân, Trưởng khoa Đô thị học, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Bà Phan Thị Hồng Xuân, Trưởng khoa Đô thị học, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khoa Đô thị học thuộc Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh được Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập từ năm 2012 trên cơ sở nâng cấp bộ môn Đô thị học và Quản lý đô thị.

Trên website của nhà trường giới thiệu về tầm nhìn, sứ mệnh của khoa Đô thị học như sau:

Khoa Đô thị học có nhiệm vụ nâng cao dân trí về lĩnh vực đô thị; trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc công nghiệp hóa - đô thị hóa ở các cấp độ khác nhau (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ).

Khoa Đô thị học hướng đến việc trở thành một trung tâm nghiên cứu - đào tạo về lĩnh vực đô thị lớn nhất ở phía Nam Việt Nam, và trong một tương lai gần sẽ đứng ngang bằng với nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.”

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của Khoa Đô thị học gồm:

Đào tạo đại học bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến tới đào tạo tiến sĩ. Tổ chức các khóa huấn luyện ngắn và dài hạn (có cấp chứng chỉ), tổ chức các chương trình tham quan nghiên cứu trong và ngoài nước, tiếp nhận các sinh viên và học giả nước ngoài làm việc tại khoa; Tổ chức và thực hiện các đề tài nghiên cứu các cấp, tổ chức hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Chức năng tư vấn, thẩm định và hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách như: Tư vấn cho các tổ chức, cá nhân trong việc thiết lập dự án và hỗ trợ nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau; Thẩm định các dự án, các chương trình dân sinh trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của đô thị thông qua các hoạt động nghiên cứu; Tham gia trợ giúp việc hoạch định chính sách cho các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Ngoài ra, khoa Đô thị học còn có chức năng tuyên truyền và phổ biến kiến thức như: Xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu khoa học (sách chuyên đề, tài liệu huấn luyện) và giảng dạy.

Trên thực tế, đô thị học cùng với các khoa học khác và các lực lượng xã hội tham gia giải quyết những vấn đề nóng bỏng, thời sự và cấp thiết của đô thị hiện đại trong ngày hôm nay. Đô thị học là khoa học mang bản chất xã hội và nhân văn, đặt con người vào trung tâm của hoạt động khoa học và thực tiễn. Nó hướng tới việc giải quyết các vấn đề văn hóa - xã hội của đô thị như cư trú, không gian công cộng, cơ sở hạ tầng xã hội, dịch vụ công, đa dạng văn hóa đô thị, vấn đề truyền thống và hiện đại trong phát triển, bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể trong hiện đại hóa.

Đô thị học là một khoa học mang tính liên ngành, điều này xuất phát từ chính đặc điểm của đô thị là: đa dạng, đa chiều, đa cấp độ, đa mục tiêu. Do vậy, khi giải quyết bất kỳ bài toán nào của đô thị, người ta cũng cần đến sự liên kết của nhiều ngành khoa học lại với nhau, hay nói một cách khác không thể giải quyết các bài toán đô thị chỉ duy nhất bằng một khoa học, một giải pháp kỹ thuật không chỉ có một cách để hiểu về đô thị, không có một môn học siêu việt nào có thể khám phá ra hết những điều bí mật, cũng như không có một ngành nghề nào độc tôn nắm giữ chìa khóa đi vào tương lai của đô thị.

Trên thế giới hiện nay, ngành Đô thị học rất phát triển, nó tồn tại là một khoa mạnh và là mũi nhọn của trường đại học đa ngành, đúng như trong lời tuyên bố của Đại học Malaysia về Đô thị học “thể hiện một chương trình đào tạo xuất sắc và mũi nhọn trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu về đô thị trong thiết chế giáo dục đại học của Malaysia”. Thực tế cho thấy các thành phố phát triển cân bằng và hài hòa như Seoul, Kuala Lumpur đều có sự đóng góp rất lớn của ngành khoa học đô thị.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/khoa-do-thi-hoc-noi-dai-bieu-hong-xuan-lam-truong-khoa-dao-tao-nhung-gi-post306194.info