Khó xử lý vi phạm sản xuất rượu thủ công

Với tính chất nhỏ lẻ, khó kiểm soát, cùng việc sản xuất được tiến hành hoàn toàn thủ công theo hình thức 'gia truyền', việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh rượu thủ công vẫn đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP. Vấn đề này hiện đang cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng, đặc biệt là các địa phương.

Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của tỉnh kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở một hộ gia đình sản xuất rượu thủ công trên địa bàn huyện Vân Đồn.

Rượu thủ công từ xưa đến nay vẫn được sản xuất theo công thức “gia truyền”. Dựa theo nguyên liệu và loại men, có hàng trăm loại rượu nấu theo hình thức thủ công có mặt trên thị trường, như: Rượu gạo, ngô, khoai, sắn… Các loại rượu thủ công nói chung hầu như đều được xuất ra thị trường ngay sau khi chưng cất mà không qua hệ thống lọc khử, không được cấp phép, kiểm định chất lượng ATTP… Điều này tiềm ẩn không ít nguy cơ về mất ATTP, thậm chí là ngộ độc rượu nếu hàm lượng methanol, ethanol... vượt quá ngưỡng cho phép.

Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.959 cơ sở sản xuất rượu thủ công, không có cơ sở sản xuất rượu công nghiệp. Trong đó, chỉ có 30 cơ sở có giấy phép sản xuất rượu thủ công, 60 cơ sở có đăng ký kinh doanh và 230 cơ sở có sản lượng từ 300 lít/tháng trở lên. Còn 1.639 cơ sở nấu rượu thủ công có sản lượng thấp, sản xuất không thường xuyên, hiện được UBND các địa phương giao cho công chức cấp xã theo dõi về ATTP quản lý và hướng dẫn thực hiện điều kiện ATTP theo quy định. Điều đáng nói là phần lớn các cơ sở sản xuất rượu thủ công này đều tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, thời vụ.

Cán bộ của các cơ quan chức năng trực tiếp test nhanh nồng độ methanol, ethanol của các cơ sở sản xuất rượu thủ công tại địa phương.

Được biết, theo các quy định về ATTP trong sản xuất rượu, muốn bảo đảm các thông số đúng tiêu chuẩn về hàm lượng methanol, ethanol... thì rượu thủ công sau khi nấu phải được chưng cất tiếp một lần nữa qua hệ thống lọc khử. Nhưng hiện nay, vì quy mô nhỏ lẻ, hình thức thủ công nên rất ít hộ dân đầu tư hệ thống lọc khử trị giá hàng chục triệu đồng để phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh của mình. Còn đối với việc cấp phép, đến thời điểm này, rất nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công vẫn chưa nắm được cách thức, trình tự để thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật trong loại hình sản xuất, kinh doanh đặc thù này.

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nguyễn Văn Thoại cho biết: Thời gian qua, đã có nhiều quy định mới về nội dung quản lý ATTP sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, trong đó vừa “mở cửa” với những quy định về tự công bố chất lượng sản phẩm, công bố phù hợp quy định ATTP, lại vừa siết chặt với việc quy định rõ những hành vi vi phạm, đồng thời tăng nặng mức xử phạt... Nhưng do nhiều vấn đề đặc thù, đây vẫn là một nội dung gặp nhiều khó khăn, rất cần sự phối kết hợp chặt chẽ của liên ngành: Kinh tế, Công an, ATTP, Công thương… và đặc biệt phải là sự vào cuộc tích cực của các địa phương. Bên cạnh công tác phối hợp trong kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công của các cơ quan chức năng thì yếu tố quan trọng nhất vẫn phải là việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn cho các cá nhân, cơ sở sản xuất rượu thủ công. Vì vậy, thời gian tới, chính quyền các địa phương, trong đó chủ chốt là các thành viên ban chỉ đạo liên ngành về ATTP địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn kiến thức, quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.

Minh Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201810/kho-xu-ly-vi-pham-san-xuat-ruou-thu-cong-2405680/