Khó xử lý những lô hàng phế liệu vô chủ

Sau khi Thủ tướng có chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu, cơ quan Hải quan đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan 'thúc' các doanh nghiệp giải phóng hàng tại cảng.

Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đã “bỏ của chạy lấy người” khi từ chối nhận hàng.

Mới đây, Công ty TNHH MTV H.Q.C.H (huyện Cẩm Giàng, Hưng Yên) đã từ chối lô hàng 437 container phế liệu nhựa nhập khẩu với lý do người xuất hàng… gửi nhầm cho doanh nghiệp này.

Hàng nghìn container phế liệu có nguy cơ vô thừa nhận tải cảng Hải Phòng

Viện lý do gửi nhầm hàng

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, từ tháng 2 đến tháng 5/2018, Cty TNHH MTV H.Q.C.H đứng tên trên vận đơn nhập khẩu 437 container phế liệu nhựa về cảng Cát Lái.

Thế nhưng khi cơ quan Hải quan gửi công văn yêu cầu doanh nghiệp đến làm việc về số phế liệu nhập khẩu nêu trên, doanh nghiệp đã có công văn gửi cơ quan Hải quan từ chối nhận lô hàng 437 container phế liệu nhựa với lý do trên.

Đại diện Cty TNHH MTV H.Q.C.H cho rằng, không ký hợp đồng mua lô hàng trên từ người xuất khẩu, do vậy các container hàng này không thuộc quyền sở hữu của công ty. Đồng thời, doanh nghiệp này yêu cầu đại lý hãng tàu thông báo cho người gửi và cơ quan hữu quan biết việc từ chối nhận hàng của mình.

Cũng tại cảng Cát Lái, Cty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ XNK V.N (huyện Đức Hòa, Long An) cũng từ chối nhận 255 container phế liệu nhựa nhập khẩu đang nằm tại đây.

Theo cơ quan Hải quan, trên các vận đơn gửi hàng đều thể hiện người nhận là doanh nghiệp này. Tuy nhiên đại diện doanh nghiệp này cho rằng, các lô hàng này không thuộc sở hữu của mình.

Đa số các lô hàng bị doanh nghiệp từ chối nhận đều là phế liệu. Như trường hợp của Cty Môi trường Công Nghiệp M.P (tỉnh Bắc Ninh) từ chối nhận 68 container phế liệu nhựa hay một doanh nghiệp ở Tây Ninh đã từ chối nhận 29 container phế liệu...

Các doanh nghiệp từ chối nhận hàng với nhiều lý do. Tuy nhiên, theo Hải quan, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu về cảng nhưng không được cấp “Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất”.

Đau đầu xử lý

Theo 1 cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 (Cục Hải quan Hải Phòng), các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu biết rất rõ các quy định của pháp luật trong việc đưa phế liệu về Việt Nam. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã tìm mọi cách đưa phế liệu cập cảng Việt Nam, trong khi chưa có đủ điều kiện để nhập khẩu.

Trao đổi với PV báo DĐDN, ông Nguyễn Sỹ Tráng, Phó cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết hiện đang xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Cục Hải quan. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận thì xử lý theo quy định tại khoản 3, khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan.

Cụ thể: Đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nếu không xác định được người chịu trách nhiệm, cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan thực hiện tiêu hủy.

Tuy nhiên, để tái xuất 1 lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hay tiêu hủy không hề đơn giản vì sẽ tốn rất nhiều thời gian, chi phí và thủ tục”, đại diện 1 hãng tàu tại Hải Phòng cho biết.

Thành Tâm

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/kho-xu-ly-nhung-lo-hang-phe-lieu-vo-chu-134442.html