Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ có thể chuyển sang Ba Lan?

Warsaw giống như Washington hiểu được những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra khi chuyển vũ khí hạt nhân của Mỹ sang Ba Lan và điều này đã được nhắc đến trong một tuyên bố của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.

Nhận định trên được ông Vladimir Batyuk - chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Mỹ và Canada của Nga, chia sẻ với hãng tin RIA Novosti hôm 25/6.

Theo đó, phát biểu trước thềm cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington, ông Duda nói rằng Hoa Kỳ không có kế hoạch di chuyển kho vũ khí hạt nhân từ Đức sang Ba Lan. Theo nhà lãnh đạo Ba Lan, đây chưa bao giờ là chủ đề trong các cuộc thảo luận của ông với Tổng thống Trump.

Quân đội Mỹ huấn luyện ở Ba Lan. (Ảnh: Reuters)

Quân đội Mỹ huấn luyện ở Ba Lan. (Ảnh: Reuters)

“Đặc biệt, ông Trump cho rằng việc Hoa Kỳ rút quân khỏi Đức và chuyển sang Ba Lan có thể kéo theo một số hậu quả”, ông Batyuk bình luận.

Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ giảm lực lượng đồn trú tại Đức từ 52.000 binh sĩ xuống còn 25.000. Ông Trump cho biết: “Một số binh sĩ sẽ về nhà và một số khác sẽ được điều chuyển đến những nơi khác. Ba Lan là một trong những nơi đó”. Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra bất kỳ số liệu nào về việc có bao nhiêu lính Mỹ sẽ được chuyển từ Đức sang Ba Lan.

Tổng thống Andrzej Duda cho rằng đây là một quyết định hợp lý, đồng thời đề nghị ông Trump không rút quân đội Mỹ khỏi châu Âu. “Bởi vì an ninh của châu Âu rất quan trọng”, ông Duda nhấn mạnh. Ông Duda cũng bày tỏ hy vọng xây dựng mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ hơn giữa hai nước.

Theo ông Batyuk, Washington hiểu rằng “nếu tên lửa đạn đạo của Mỹ có khả năng tiếp cận Moscow trong vài phút khi được triển khai ở Ba Lan, thì trong điều kiện xảy ra chiến tranh, Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài một cuộc tấn công phủ đầu”. “Nếu tôi hiểu chính xác, thì ông Duda cũng hiểu những hậu quả có thể xảy ra”, ông Batyuk nói.

Theo tờ Dziennik Gazeta Prawna của Ba Lan, 30 máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ đóng tại Đức có thể được chuyển đến Ba Lan cùng với khoảng 2.000 binh sĩ.

Trước đó, vào tháng 5, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher nói rằng, Warsaw có thể đồng ý tiếp quản kho vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu nếu Đức từ chối làm như vậy.

“Nếu Đức muốn giảm tiềm năng hạt nhân và làm suy yếu NATO, thì có lẽ Ba Lan sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình, và hiểu được những rủi ro mà sườn phía đông của NATO phải đối mặt. Do đó, Ba Lan có thể tiếp quản kho vũ khí hạt nhân này”, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher viết trên Twitter hôm 16/5.

Mỹ được cho có khoảng 150 đơn vị vũ khí hạt nhân ở châu Âu, trong đó có 20 đơn vị tại Đức.

Trong khi đó, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Mỹ và Canada của Nga, ông Vladimir Vasiliev mới đây cho biết, Mỹ có thể triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan trong trường hợp quân đội của Mỹ được chuyển từ Đức sang.

Binh lính Mỹ tại một căn cứ ở Ba Lan. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Ông Vasiliev cho biết, theo logic quân sự, sau khi tái bố trí một phần quân đội Mỹ ở Ba Lan, việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ ở đó trở nên rất khả thi. “Theo kịch bản tồi tệ nhất, do Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn, tôi cho rằng một giai đoạn mới đang bắt đầu. Đây là việc đưa vũ khí hạt nhân đến gần biên giới Nga”, ông Vasiliev nói.

Ngoài ra, ông Vasiliev nhấn mạnh vũ khí hạt nhân của Mỹ không thể xuất hiện ở Ba Lan nếu đội quân Mỹ không đồn trú ở đó. “Vũ khí hạt nhân của Mỹ ở đâu, thì ở đó có căn cứ quân sự và binh sĩ Mỹ. Người Mỹ luôn luôn là những người chịu trách nhiệm bảo vệ các cơ sở vũ khí hạt nhân”, ông Vasiliev nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Vasiliev cho rằng, bằng cách chuyển quân sang Ba Lan và triển khai kho vũ khí hạt nhân ở đó, Mỹ đang cố gắng cải tổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chính sách châu Âu. Về lâu dài, tầm quan trọng chiến lược của Đông Âu tăng mạnh và Warsaw có thể trở thành đồng minh chính của Washington ở “lục địa già”.

“Những hành động này sẽ làm tăng xu hướng chống Nga và tích tụ xung đột giữa NATO và Nga”, ông Vasiliev kết luận.

Về phía mình, Nga là nước luôn phản đối việc mở rộng về phía đông của NATO và triển khai vũ khí hạt nhân gần với biên giới của Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko mới đây tuyên bố trước động thái Mỹ điều chuyển một phần lực lượng quân đội từ Đức sang Ba Lan: “Nga sẽ luôn theo dõi các động thái liên quan đến việc Chính phủ Mỹ bố trí lực lượng quân đội tại châu Âu và trong trường hợp cần thiết sẽ thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo an ninh cho Nga và các đồng minh”.

Cũng theo đó, giới chức Ngoại giao Nga bày tỏ lo ngại Mỹ đang làm ảnh hưởng đến nền tảng an ninh quân sự ở châu Âu khi liên tục có các hành động “khó hiểu” như: rút khỏi Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm ngắn hay rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Do đó, Nga sẽ xem xét các phương án cuối cùng của quân đội Mỹ tại châu Âu và xây dựng các biện pháp cần thiết để đảm bảo lợi ích quốc phòng và an ninh của Nga.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/kho-vu-khi-hat-nhan-cua-my-co-the-chuyen-sang-ba-lan-257117.html