Khổ vì rác không được thu gom

Hơn 1 tháng nay, tại nhiều nơi ở thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), rác thải không được thu gom, tập kết bừa bãi, ứ đọng, bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Rác “bủa vây” khắp nơi, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: D. Ngọc

Rác “bủa vây” khắp nơi, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: D. Ngọc

Theo phản ảnh của người dân địa phương, việc thu gom rác ở thị trấn Vĩnh An lâu nay do Hợp tác xã Vĩnh Tân thực hiện. Tuy nhiên, thời điểm từ cuối tháng 9-2019, đơn vị này tạm ngưng thu gom rác, điều đó khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, xáo trộn.

* Rác ứ đọng lâu ngày

Trên con đường nhựa khang trang đi vào KP.4, thị trấn Vĩnh An dễ dàng bắt gặp điểm tập kết rác ở nhiều nơi. Đó là những bọc ny-lông, vỏ chai nhựa các loại đến rác thải sinh hoạt chất đống bên đường hoặc trước cửa nhà dân. Tình trạng này kéo dài đã hơn 1 tháng qua khiến các hộ dân quanh đây ai cũng ngán ngẩm vì không biết chừng nào rác mới được thu gom.

Bà Đỗ Thị Hoa (ngụ KP.4, thị trấn Vĩnh An) phản ảnh, rác ứ đọng lâu ngày khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, phát sinh ruồi nhặng, chưa kể nước rác rỉ ra lênh láng xung quanh, ảnh hưởng không nhỏ cuộc sống gia đình bà. Khu vực trước cổng nhà bà Hoa cũng bị “biến” thành nơi tập kết rác bất đắc dĩ cho cả xóm gần 30 hộ dân.

Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) Trần Văn Hùng cho biết: “Hiện nay, địa phương đang gặp khó khăn nữa là bãi tập kết rác diện tích không đảm bảo nên phải thay đổi liên tục. Do đó, chúng tôi đang có văn bản kiến nghị lên các ngành chức năng dời bãi tập kết rác về địa điểm thích hợp. Phí thu gom rác sinh hoạt trong dân vẫn giữ nguyên 22 ngàn đồng/hộ/tháng”.

Theo bà Hoa, mỗi tháng gia đình bà đóng cho đơn vị thu gom rác 22 ngàn đồng tiền phí thu gom rác sinh hoạt. Tuy nhiên, chẳng biết lý do gì mà từ đầu tháng 10 đến nay, đơn vị đứng ra thu gom rác không làm việc.

“Rác tồn nhiều để đầy ra đường, sốt ruột quá tôi phải bỏ tiền ra thuê xe ngoài đến gom mới bớt được mùi hôi thối. Chuột, chó, mèo thường hay bới rác tìm thức ăn làm rác vương vãi đầy đường, chúng tôi không tài nào chịu nổi” - bà Hoa bức xúc nói.

Không chỉ ở KP.4 mà nhiều người dân ở KP.5, thị trấn Vĩnh An cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Khổ nhất là đối với những gia đình làm nghề kinh doanh, các tiểu thương buôn bán ở chợ. Chính vì thời gian dài rác sinh hoạt không được thu gom, dọn dẹp sạch sẽ đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Từ đây xảy ra nhiều hệ lụy, ngoài vấn đề về môi trường, còn có tình trạng người dân xích mích, mâu thuẫn dẫn đến tranh cãi vì rác.

Ông N.X.H. (tiểu thương buôn bán tại thị trấn Vĩnh An) cho biết, KP.5 là nơi có tình trạng rác ứ đọng và ô nhiễm nhất ở địa phương. Đây là trung tâm của thị trấn có chợ và nhiều hàng quán san sát nên nguồn rác thải sinh hoạt thải ra mỗi ngày rất lớn. Tiền rác gia đình ông đóng hằng tháng cao hơn so với hộ dân bình thường, nhưng đến nay rác vẫn không được thu dọn.

Nhiều lần ông H. và các tiểu thương khác liên hệ với đơn vị thu gom rác, chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết khiến điểm gom rác trong chợ quá tải. Điều đáng nói, quán của ông ở gần địa điểm này nên lâm vào cảnh ô nhiễm trầm trọng; từ đó, khách tới quán cũng thưa dần.

“Rác bủa vây khắp nơi, nhiều người còn lén để rác sang nhà khác dẫn đến cự cãi. Thuê xe thu gom rác bên ngoài đến hốt thì có hôm làm hôm không nên ai cũng bức xúc. Nước từ bãi rác chảy ra đen ngòm, hôi thối không chịu nổi. Trong khi mỗi tháng gia đình tôi phải trả tiền mặt bằng buôn bán mà kinh doanh thì ế ẩm nên có nguy cơ đóng cửa sớm” - ông H. nói.

* Đẩy nhanh việc thu gom rác

Đại diện Hợp tác xã Vĩnh Tân cho hay, nguyên nhân chính là do mức tiền mà UBND thị trấn Vĩnh An trả cho đơn vị không được điều chỉnh. Trong khi chi phí về quản lý, nhân công, phí về môi trường… hợp tác xã chi rất lớn và tăng theo từng năm. Do đó, đơn vị này đã đề nghị tăng từ 60 triệu đồng/tháng lên 140 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức giá mà Hợp tác xã Vĩnh Tân đưa ra không được chấp nhận nên đơn vị quyết định dừng việc thu gom rác.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh An Trần Văn Hùng lý giải, hiện nay trên địa bàn thị trấn có khoảng 7 ngàn hộ dân. Nếu mỗi gia đình nộp cho địa phương 22 ngàn đồng/tháng tiền rác sinh hoạt thì thị trấn thu về khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Rác sinh hoạt của một hộ dân ở KP. 4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) ứ đọng nhiều ngày chưa được thu gom

Tuy nhiên, những năm qua tiền thu từ người dân chỉ đạt khoảng 80% (tương đương 1,2 tỷ đồng/năm). Sau khi trừ các khoản theo quy định (khoảng 35%) số tiền còn lại không đủ để trả theo đề nghị mức giá mới mà Hợp tác xã Vĩnh Tân đưa ra nên địa phương không đồng ý.

Sau nhiều lần “đàm phán” với Hợp tác xã Vĩnh Tân không thành nên thị trấn đã phối hợp với một hợp tác xã khác để tiếp tục thu gom. Nhưng đơn vị này lại làm không tốt, để rác ứ đọng buộc địa phương phải dừng hợp tác từ giữa tháng 11.

Ông Hùng thừa nhận, việc rác thải tồn đọng thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, địa phương cũng đã tìm nhiều cách để xử lý vấn đề này. Trong đó có kêu gọi bảo vệ dân phố, lực lượng dân quân phối hợp cùng bà con đi gom rác tạm thời nhằm giải quyết bớt lượng rác sinh hoạt ứ lại, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường xung quanh.

“Đến nay, do không tìm được đơn vị thu gom rác, từ ngày 15-11, thị trấn đứng ra nhận luôn việc thu gom rác tại nhà của các hộ dân. Toàn thị trấn có 8 khu phố, mỗi khu phố sẽ có 1-2 người đi gom rác. Mọi chi phí, tiền lương được trả thỏa đáng đúng với công sức mà họ nhận được. Địa phương quyết tâm từ tháng 12 trở đi, hoạt động thu gom rác sinh hoạt trong dân sẽ trở lại bình thường” - ông Hùng nhấn mạnh.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201912/kho-vi-rac-khong-duoc-thu-gom-2976804/