Khó trong giao dịch khi đất ở vượt hạn mức

Nhiều người sử dụng đất trên địa bàn TP Cần Thơ khi có nhu cầu giao dịch, thực hiện các quyền của người sử dụng đất, như: tặng cho, chuyển nhượng… đều gặp khó khi đất ở vượt hạn mức. Người dân mong muốn chính quyền và ngành chức năng thành phố có giải pháp tháo gỡ tình trạng này.

Phần đất của ông T được cấp GCNQSDĐ.

Phần đất của ông T được cấp GCNQSDĐ.

Ông Trần Văn M (ở phường Thới An, quận Ô Môn) được UBND huyện Ô Môn (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hơn 3.000m2, trong đó có hơn 1.000m2 đất ở. Ông có 4 người con. Do lớn tuổi, ông quyết định thực hiện thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất cho các con. Ông M cho biết: “Trong quá trình sử dụng đất, tôi cho đất các con, mỗi đứa 1 nền, ngang 5m, dài 40m. Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục đo đạc, để làm hợp đồng tặng cho thì hồ sơ của tôi bị ách lại, với lý do đất thổ cư của tôi vượt quá hạn mức (hơn 300m2 - PV). Muốn thực hiện thủ tục, thay vì hơn 1.000m2 thì phải điều chỉnh còn 300m2 thổ cư; phần còn lại là đất vườn. Suy đi, tính lại, tôi chưa đồng ý nên chưa thể làm thủ tục tặng cho đất cho các con”.

Thực tế có nhiều trường hợp tương tự trường hợp ông M. Trước đây, mẹ ông Lê Văn T, ở phường Thới An, được cấp GCNQSDĐ gần 4.000m2, trong đó, có 1.500m2 đất thổ cư nằm cặp con kênh; phần đất còn lại ở phía sau là đất ruộng. Ông T băn khoăn: “Hằng năm, gia đình tôi đều đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước đối với phần đất ở. Nay để thực hiện các giao dịch liên quan đến phần đất này, đất thổ cư của tôi chỉ còn 300m2; 1.200m2 đất thổ cư phải điều chỉnh thành đất vườn. Trên thực tế giao dịch hiện nay, giá trị của đất thổ cư cao gấp nhiều lần hơn so với đất vườn. Việc điều chỉnh này sẽ gây thiệt thòi cho người sử dụng đất”.

Nhiều trường hợp sử dụng đất ở vượt hạn mức cũng băn khoăn như ông T và rất đắn đo khi thực hiện các giao dịch hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất. Theo ông Nguyễn Thanh Tao, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, quận đã phối hợp các phường rà soát, thống nhất trích lục từ sổ mục kê; sau đó, loại bỏ các trường hợp đã chuyển quyền. Kết quả, trên địa bàn hiện còn khoảng 4.800 thửa đất vượt hạn mức. Trong quá trình thực hiện, quận còn gặp một số khó khăn: thanh tra phát hiện có sai sót, nhưng chưa mạnh dạn thu hồi, vì sợ người dân khiếu kiện; hồ sơ lưu trữ không đủ thành phần hồ sơ (như đơn, biên lai thuế…) nên chưa đủ cơ sở để rà soát, xử lý. Ngoài ra, quận còn gặp lúng túng khi rà soát hồ sơ bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Do đó, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố hướng dẫn để địa phương thực hiện.

Còn tại huyện Thới Lai, qua rà soát, huyện đã phát hiện khoảng 4.062 trường hợp đất vượt hạn mức (trong đó, diện tích vượt hạn mức thấp nhất là hơn 300m2; nhiều nhất là 9.000m2). Huyện đã tuyên truyền, vận động người dân các xã, thị trấn thực hiện thẩm tra được 16 trường hợp; đã thu hồi 1 trường hợp; 15 trường hợp còn lại tiếp tục rà soát. Ông Lê Tấn Thiện, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Lai, cho biết: “Đối với những GCNQSDĐ đã cấp từ những năm 1990, huyện có yêu cầu người dân bổ sung sổ hộ khẩu để phối hợp rà soát lại diện tích. Một số trường hợp người dân cam kết không cần chuyển thanh tra để thực hiện việc thẩm tra mà ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận để điều chỉnh diện tích đất ở cho phù hợp, nhằm đỡ mất thời gian”.

Ở huyện Cờ Đỏ, qua rà soát, huyện phát hiện 126 GCNQSDĐ có diện tích đất ở vượt hạn mức. Trong đó, huyện đã vận động 12 trường hợp đồng ý điều chỉnh lại diện tích đất ở cho phù hợp quy định; còn lại 114 giấy chứng nhận đang tiếp tục rà soát. Theo ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, trong quá trình thực hiện, huyện gặp khó khăn như: một số trường hợp đang thế chấp tại ngân hàng nên khó thực hiện việc thu hồi; một số trường hợp người dân không cung cấp được hộ khẩu tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận, nên phải trích lục hồ sơ, nên mất nhiều thời gian…

Từ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc rà soát đất đai, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Trường hợp GCNQSDĐ đã cấp có diện tích đất ở vượt hạn mức so với quy định, nếu người dân cam kết không khiếu nại thì tiếp tục thực hiện thủ tục chỉnh lý cho người dân, không phải chuyển hồ sơ sang cơ quan thanh tra để thẩm tra. Đối với trường hợp GCNQSDĐ đã cấp có diện tích đất ở vượt hạn mức nhưng người dân không cung cấp được hộ khẩu thì đề nghị quận, huyện liên hệ các cơ quan chức năng có liên quan để phối hợp cung cấp hồ sơ theo yêu cầu. Trường hợp giấy chứng nhận đã thế chấp tại ngân hàng, đề nghị quận, huyện có văn bản thông tin cho ngân hàng phối hợp thực hiện việc điều chỉnh diện tích khi đáo hạn…

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/kho-trong-giao-dich-khi-dat-o-vuot-han-muc-a123916.html