Khó tin chuyện thánh địa Mỹ Sơn suýt chìm trong biển nước

Số phận của thánh địa Mỹ Sơn đã có lúc rơi vào tình thế 'ngàn cân treo sợi tóc'. Chuyện xảy ra cuối thập niên 1970, đầu 1980...

Nằm ở địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Di sản văn hóa thế giới - Thánh địa Mỹ Sơn là một địa danh du lịch nổi tiếng tầm cỡ toàn cầu. Ít ai có thể tưởng tượng được rằng di tích lịch sử này đã suýt bị con người nhấn chìm trong biển nước.

Nằm ở địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Di sản văn hóa thế giới - Thánh địa Mỹ Sơn là một địa danh du lịch nổi tiếng tầm cỡ toàn cầu. Ít ai có thể tưởng tượng được rằng di tích lịch sử này đã suýt bị con người nhấn chìm trong biển nước.

Chuyện xảy ra cuối thập niên 1970, đầu 1980, được ông Đoàn Văn Lộc – người làm Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên thời kỳ này – chia sẻ trên báo chí năm 2012. Theo đó, trước sự thúc bách của nhu cầu sản xuất lương thực, các nhà thủy lợi bấy giờ đã tìm giải pháp tưới tiêu đồng ruộng.

Với tư cách Chủ tịch huyện, ông Đoàn Văn Lộc được các nhà chuyên môn đưa đến thung lũng Mỹ Sơn xem việc khảo sát địa chất để ngăn đập tạo hồ cho công trình thủy lợi Khe Thẻ.

Dòng suối Khe Thẻ, trước khi ra sông Thu Bồn, chảy quanh co trong vùng thung lũng đầy các chứng tích của vương quốc Chăm Pa, xung quanh được núi non vây bọc. Chỉ cần đắp một con đập ngăn suối là có một hồ chứa nước đủ để tưới tiêu cho một vùng đất rộng lớn.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ các công trình có tuổi đời nhiều thế kỷ của thánh địa Mỹ Sơn sẽ bị nhấn chìm trong lòng hồ thủy lợi.

Khi họp bàn ở Đảng ủy và UBND huyện để đi đến thống nhất dự án của các nhà chuyên môn thì đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương đã chia làm hai nhóm, một nhóm tán đồng, nhóm đông hơn thì phản bác chủ trương ngăn suối.

Theo nhóm phản bác, thánh đia Mỹ Sơn là một chứng tích tội ác chiến tranh nên không thể xóa bỏ. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, rất nhiều công trình ở nơi đây đã bị bom đạn Mỹ phá hủy.

Ngoài ra, người Pháp đã xây dựng hai con đập lớn là Vĩnh Trinh và Thạch Bàn để tưới tiêu cho vùng đất phía Tây Duy Xuyên, chỉ cần nâng cấp hai đập nước này cũng dư nước tưới cho đồng ruộng các xã trong khu vực, không cần phải làm đập mới.

Tuy nhiên, trước sự phản bác đó, các nhà chuyên môn cùng nhóm tán đồng dự án vẫn không chút nhượng bộ. Số phận của thánh địa Mỹ Sơn vẫn “ngàn cân treo sợi tóc”.

Do không thể thống nhất chủ trương, vụ việc được báo cáo lên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. May mắn thay, đề xuất nâng cấp đập Vĩnh Trinh, Thạch Bàn đã được chấp nhận.

Vào thời điểm đó, không ai ngờ rằng quyết định này đã “cứu sống” một Di sản thế giới nổi tiếng của Việt Nam.

Mời quý độc giả xem video: Di tích "đắp chiếu" - Hay "tây hóa" di sản lịch sử | VTV TSTC.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/kho-tin-chuyen-thanh-dia-my-son-suyt-chim-trong-bien-nuoc-1523159.html