Khó thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp hưởng sai vì thiếu quy định cụ thể

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), theo Bộ LĐ-TB&XH, số lượng người tham gia và đóng BHTN tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu được giao. Số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng hàng năm, tỷ lệ tăng bình quân 12,5%.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, chính sách BHTN đã phát sinh một số vấn đề dẫn đến cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN.

Đáng quan tâm là đến nay vẫn chưa có người sử dụng lao động nào được nhận chế độ hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Nguyên nhân, do điều kiện hưởng còn tương đối cao và hiếm khi xảy ra nên chưa có người sử dụng nào đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ.

Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chế độ này. Về lâu dài, cần hoàn thiện chính sách BHTN theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW cải cách chính sách BHXH, có các chính sách hỗ trợ DN duy trì việc làm, hạn chế sa thải, tuyển dụng lao động thất nghiệp dài hạn khó tìm việc làm như thông lệ các nước.

Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa nhiều quy định về BHTN để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. (Ảnh: P. Thảo)

Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa nhiều quy định về BHTN để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. (Ảnh: P. Thảo)

Theo Luật BHXH thì lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định mà có hưởng lương thì người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH. Tuy nhiên, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn lại chưa quy định về trường hợp này.

Trong thực tế, có đơn vị không thu BHTN vì coi đó là thời gian người lao động nghỉ sinh theo chế độ BHXH nên không thuộc đối tượng tham gia BHTN, nhưng có đơn vị thu vì người lao động đã hưởng tiền lương nên thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Trong tiếp nhận, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng phát sinh một số trường hợp mà người lao động không thể có một trong các văn bản xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cụ thể là trường hợp người lao động tại các DN có chủ bỏ trốn hoặc người quản lý DN tại các DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng DN trong khi thực tế người lao động đã bị mất việc làm, dẫn đến ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.

Theo quy định của Luật BHXH từ ngày 1-1-2018, người lao động giao kết hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc từ đủ 1 tháng trở lên là đối tượng bắt buộc tham gia BHXH.

Tuy nhiên, theo Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì người lao động phải giao kết hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc từ đủ 3 tháng trở lên mới được coi là có việc làm. Do đó, quy định thế nào được coi là có việc làm chưa có sự đồng nhất.

Nghị định số 28/2015/NĐ-CP cũng quy định người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ CA; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có nghĩa vụ thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm và thời gian đóng BHTN tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo.

Tuy nhiên, trong thực tế xảy ra nhiều trường hợp người lao động thuộc các trường hợp này nhưng không thông báo theo quy định mà vẫn tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc để quá thời hạn mới thông báo.

Trong khi đó, việc thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề do người lao động hưởng sai quy định rất khó khăn vì người lao động thường không hợp tác hoặc thay đổi địa điểm cư trú. Để thu hồi được cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH và người sử dụng lao động mới của người lao động nhưng lại thiếu quy định về vấn đề này.

Để khắc phục các bất cập trên, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH được tính là thời gian đóng BHTN; Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo hướng mở rộng các trường hợp được coi là bất khả kháng.

Đồng thời, nâng mức hỗ trợ hoc nghề từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng; sửa đổi, bổ sung quy định thế nào được coi là có việc làm để đồng nhất với đối tượng tham gia BHXH; bổ sung quy định về thời hạn thực hiện thủ tục xác nhận việc đóng BHTN cho người lao động; trách nhiệm phối hợp với cơ quan lao động để thu hồi số tiền hưởng các chế độ BHTN không đúng quy định của người lao động.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kho-thu-hoi-tien-tro-cap-that-nghiep-huong-sai-vi-thieu-quy-dinh-cu-the-122766.html