Khó thu hồi tang vật đoàn thanh tra vòi tiền?

Em gái trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng đã lấy số tiền nhận được từ doanh nghiệp đem đi tẩu tán nên khó thu hồi.

Ngày 25/6/2020, theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Vĩnh Phúc về vụ án nhận hối lộ của đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng. Theo kết quả điều tra cho thấy, em gái Trưởng Đoàn Thanh tra đã có hành động tẩu tán tài sản ngay sau ngày vụ án được khởi tố.

Cụ thể, Nguyễn Thị Kim Liên vừa là em gái, vừa là thành viên Đoàn thanh tra làm việc cùng phòng với trưởng đoàn Thanh tra Nguyễn Thị Kim Anh.

Kim Liên giúp sức cho Kim Anh không chỉ bằng hành động (tiếp nhận hồ sơ, tài liệu từ các đơn vị cung cấp, cùng đi kiểm tra tại UBND xã, thị trấn và có kết quả kiểm tra nêu lỗi vi phạm về công tác quy hoạch…) mà còn trực tiếp tham gia cùng chị gái, Thùy Linh bóc phong bì, kiểm đếm tiền 3 lần (buổi trưa ngày 7/6, 11/6, 12/6/2019).

Kim Liên còn giúp Kim Anh gửi 310 triệu đồng vào một ngân hàng đứng tên Liên, để sau đó sẽ cùng nhau ăn chia số tiền này vì lợi ích của Đoàn thanh tra, trong đó có lợi ích của Kim Liên.

Trưởng Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Thị Kim Anh đã nhờ em gái gửi tiền nhận hối lộ vào ngân hàng. Sau khi vụ án được khởi tố 1 ngày, em gái Kim Anh đã rút toàn bộ số tiền, tẩu tán tài sản.

Trưởng Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Thị Kim Anh đã nhờ em gái gửi tiền nhận hối lộ vào ngân hàng. Sau khi vụ án được khởi tố 1 ngày, em gái Kim Anh đã rút toàn bộ số tiền, tẩu tán tài sản.

Khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án ngày 18/6/2019 thì ngay ngày hôm sau, Kim Liên đã rút toàn bộ số tiền này ra tẩu tán, đến nay chưa nộp lại cho Cơ quan điều tra.

Trao đổi với Đất Việt về tình huống này, luật sư Nguyễn Văn Hướng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, để thu hồi tang vật của vụ án - số tiền do nhận hối lộ mà có từ bị can Kim Liên là rất khó.

"Số tiền này nếu Kim Liên đem đi tiêu xài đã hòa chung vào dòng tiền của nền kinh tế. Khi đó sẽ rất khó thu hồi. Trừ trường hợp, Kim Liên đưa số tiền này gửi cho ai đó hoặc mua tài sản thể hiện bằng vật chất thì sẽ xác định được tài sản đó có được từ số tiền nhận hối lộ thì có thể niêm phong, tịch thu" - ông Hướng cho hay.

Ông Hướng cho rằng, với nghiệp vụ điều tra của cơ quan công an, cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ số tiền nhận hối lộ sau khi Kim Liên rút ra khỏi ngân hàng sẽ được đưa cho ai hoặc sử dụng vào việc gì. Để từ đó có phương án xử lý phù hợp.

"Việc nộp lại số tiền nhận hối lộ sẽ là một tình tiết giảm nhẹ cho Kim Liên và chị gái Kim Anh. Nếu số tiền này đã được tiêu xài cá nhân nhưng người thân của Kim Liên có ý thức khắc phục, nộp lại cho cơ quan chức năng thì đó cũng được coi là khắc phục hậu quả vi phạm, tình tiết giảm nhẹ" - ông Hướng nói.

Còn luật sư Trần Hồng Phương - Đoàn Luật sư TP. HCM thì cho rằng, việc thu hồi số tiền nhận hối lộ của bị can Kim Liên không phải là vấn đề khó. Cơ quan chức năng chỉ cần truy nguồn gốc xem Kim Liên đã sử dụng số tiền đó vào những việc gì, tiêu xài vào những đâu là sẽ truy ra.

"Nếu số tiền đó được sử dụng vào việc mua bán tài sản thể hiện qua vật chất. Thì số tài sản đó sẽ bị niêm phong, xác định là tài sản hình thành từ số tiền phạm tội mà có. Sau đó, sẽ đấu giá tài sản đó để thu hồi tài sản, tang vật vụ án" - ông Phương cho hay.

Vị luật sư này cho rằng, việc cố tình rút tiền ra khỏi ngân hàng khi biết vụ án bị khởi tố của Kim Liên, đến nay bị can này chưa nộp lại số tiền nhận hối lộ được coi là tình tiết tăng nặng cho bị can này.

"Để được áp dụng tình tiết giảm nhẹ thì người thân hoặc Kim Liên phải thành khẩn khai báo hoặc yêu cầu người thân nộp lại số tiền do nhận hối lộ mà có" - ông Phương nói.

Vì sao Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vòi tiền được thay đổi tội danh?

Chiều 25/6, tại cuộc họp báo thông tin kết quả công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Công an, báo chí đặt vấn đề Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án liên quan đến 4 cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, dư luận quan tâm vì sao Cơ quan CSĐT lại thay đổi tội danh đối với 4 bị can trong vụ án, từ tội nhận hối lộ sang tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản, có khung hình phạt nhẹ hơn?

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị tử hình; nhưng với tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản, chỉ bị phạt tối đa 20 năm tù.

Trả lời nội dung này, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết ban đầu Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về hành vi nhận hối lộ.

Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định, hành vi các bị can liên quan không cấu thành tội đưa hối lộ mà liên quan đến hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản.

Đến ngày 11/5/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định thay đổi vụ án, thay đổi tội danh đối với các bị can.

Trung tướng Lương Tam Quang khẳng định toàn bộ quá trình điều tra này đã được VKSND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm sát, giám sát theo quy định pháp luật.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/kho-thu-hoi-tang-vat-doan-thanh-tra-voi-tien-3409432/