Khó thu hồi đất tại các trụ sở

Hiện nay, trên toàn thành phố Hà Nội có 19/772 trường mầm non công lập có sĩ số từ 50 cháu trở lên/lớp, 87/697 trường tiểu học công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp; 13/599 trường THCS công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp.

Gần 90 trường tiểu học công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên

Đây là số liệu được nêu trong Báo cáo số 75/BC-VHXH của Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP Hà Nội về kết quả khảo sát công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá của đợt khảo sát, cơ bản đầu năm học 2018 – 2019, các trường công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện thu, sử dụng và quản lý các khoản thu khác trong nhà trường theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); mức thu không vượt quá mức trần quy định. Năm học 2018 – 2019, Hà Nội có 2.689 trường với 1.986.809 học sinh mầm non và phổ thông (so với năm học 2017 – 2018 tăng 48 trường và 109.930 học sinh). Trong đó công lập có 2.182 trường với 1.734.596 học sinh; tư thục có 507 trường với 252.213 học sinh.

Cần có quỹ đất để xây dựng trường học cho học sinh.

Nhìn chung, các quận/huyện /thị xã đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho năm học mới. Theo đó, đã xây mới được 74 trường Mầm non, Tiểu học, THCS (29 trường được thành lập mới); bổ sung thêm 1.579 phòng học; có 9 trường THPT đưa vào hoạt động. Toàn thành phố cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp với 2.450 phòng học xây mới và 2.552 phòng học cải tạo.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, có kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ hiệu trưởng các cơ sở giáo dục để nâng cao năng lực quản lý; rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên các cấp và xác định nhu cầu đào tạo giáo viên theo từng cấp học, từng môn học để phục vụ cho việc dạy chương trình sách giáo khoa phổ thông mới trong năm học 2018 – 2019.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn nhiều tồn tại, hạn chế cũng đã được báo cáo nêu rõ. Cụ thể, do tốc độ tăng dân số cơ học cao cùng với việc phát triển đô thị, xây dựng nhiều khu chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố đã dẫn đến hiện tượng quá tải trong các trường công lập, tỉ lệ học sinh trên lớp cao.

Hiện nay trong nội đô đang rất thiếu quỹ đất cho xây trường, trong khi dân số cơ học tăng quá nhanh chuyện thiếu trường học sinh phải học một lớp từ 45-60 học sinh là đương nhiên. Vấn đề mà cử tri đặt ra, tại sao khá nhiều bộ, ngành Thành phố đã cấp đất xây trụ sở mở bề thề vẫn không chịu trả trụ sở cũ cho Hà Nội để tiến hành xây trường? Theo tính toán của các chuyên gia xây dựng, nếu thu hồi được số diện tích trụ sở trên, chỉ cần đầu tư 300 tỷ đồng sẽ có một ngôi trường bề thế.

Hiện nay, trên toàn thành phố có 19/772 trường mầm non công lập (chiếm 2%) có sĩ số từ 50 cháu trở lên/lớp học (cá biệt có 4 trường Mầm non có sĩ số 60 cháu/lớp, tập trung chủ yếu ở quận Cầu Giấy); 87/697 trường Tiểu học công lập (chiếm 14%) có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp (cá biệt có 37 trường có sĩ số từ 55 học sinh trở lên/lớp, trong đó có 3 trường có sĩ số từ 60 học sinh trở lên/lớp); 13/599 trường THCS công lập (chiếm 2%) có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp.

Không hẳn là thiếu tài chính!

Có thể khẳng định với tốc độ đô thị hóa và kéo theo dân số tăng cơ học như hiện tại, thời gian tới các quận của Hà Nội sẽ còn thiếu trường cho con em học. Hệ thống trường công từ bậc tiểu học đến phổ thông mỗi lớp sẽ phải chịu áp lực 45- 60 học sinh là chuyện bình thường. Dù ngân sách chưa nhiều, song không phải là hạn hẹp, việc chi ngân sách để xây hệ thống trường học không phải là vấn đề khó khăn đối với Hà Nội.Cái khó quỹ đất ở đâu?

Trong khi quỹ đất đang rất hiếm thì có một nghịch lý tồn tại trong nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để đó là không ít cơ quan không chịu trả lại trụ sở cho Thành phố sau khi đã bố trí quỹ đất mới xây trụ sở. Theo thống kê của Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội, Sở đã tiến hành rà soát 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương. Kết quả cho thấy, có 8 cơ quan đã thực hiện chủ trương di dời.

Các cơ quan này đang xây dựng hoặc đã hoàn thành việc xây dựng trụ sở mới nằm ngoài nội đô thành phố, gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao (nay có thêm trụ sở NHNNVN ở Xã Đàn- PV).

Hiện nay trong nội đô đang rất thiếu quỹ đất cho xây trường, trong khi dân số cơ học tăng quá nhanh chuyện thiếu trường học sinh phải học một lớp từ 45-60 học sinh là đương nhiên. Vấn đề mà cử tri đặt ra, tại sao khá nhiều bộ, ngành Thành phố đã cấp đất xây trụ sở mở bề thề vẫn không chịu trả trụ sở cũ cho Hà Nội để tiến hành xây trường? Theo tính toán của các chuyên gia xây dựng, nếu thu hồi được số diện tích trụ sở trên, chỉ cần đầu tư 300 tỷ đồng sẽ có một ngôi trường bề thế.

Cần nhắc thêm, tại hội nghị tổng kết của Bộ Xây dựng chiều 16/1, Thủ tướng lưu ý các bộ đã có trụ sở mới phải trả lại trụ sở cũ cho TP Hà Nội. Song đến nay vẫn chưa có biến chuyển khả quan.

Bên cạnh thiếu trường, lớp học thì chật đoàn giám sát cũng chỉ ra tình trạng lạm thu. Cụ thể, một số trường còn tự ý đặt ra những khoản thu không đúng quy định, thực hiện thu xã hội hóa không đúng quy trình như: Thu tiền túi kiểm tra, phô tô tài liệu, tiền vệ sinh, thu tiền để mua bàn ghế, tiền trái tuyến, thu tiền xã hội hóa điều hòa và thiết bị giảng dạy... gây bức xúc trong phụ huynh học sinh.

Một số trường thu chi sai bị nêu tên như: Trường Mầm non An Khánh A (huyện Hoài Đức) thu 500.000 đồng tiền trái tuyến của 33/73 học sinh trái tuyến; Trường Mầm non Xuân Canh (huyện Đông Anh) thu tiền vệ sinh và đồ chơi; Trường Tiểu học Tráng Việt A (huyện Mê Linh) thu 500.000 đồng tiền mua máy chiếu để dạy các môn văn hóa; trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) một số lớp thu tiền cơ sở vật chất, sách giáo khoa, kỹ năng sống, đồng phục, mũ, ghế; Trường THCS Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) thu quỹ phụ huynh lớp 1.500.000 đồng/kỳ, thu cào bằng một mức, không lập dự toán thu chi, riêng khối 6 thu thêm 500.000 đồng/học sinh tiền xã hội hóa lắp điều hòa…Xuất phát từ nhu cầu thực tế, hiện nay đã phát sinh một số khoản thu khác ngoài quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND như: Tiền học câu lạc bộ, kỹ năng sống, tiền lắp và tiền điện điều hòa, học ngoại ngữ chuyên gia, trông giữ trẻ, học sinh ngoài giờ và ngày thứ 7... Những khoản thu này đều chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể. Do đó, các đơn vị còn lúng túng trong triển khai thực hiện.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/kho-thu-hoi-dat-tai-cac-tru-so-83441.html