Khó thành liên minh với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ - châu Âu bắt tay làm lành

Cùng lúc trở thành nạn nhân gây áp lực của Mỹ, mối quan hệ vốn từng không nhìn mặt nhau giữa Ankara và EU trong quá khứ nay bỗng trở nên khởi sắc.

Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ-châu Âu trong mối quan hệ “bập bênh”.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang tìm kiếm các đồng minh mới để bù đắp mối quan hệ tồi tệ của Ankara với Washington, vốn ngày càng trở nên suy sụp sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson.

Những nhận xét gần đây của Erdogan cho thấy trái tim của ông đang hướng về Nga, Trung Quốc và đặc biệt là nối lại quan hệ với châu Âu. Ngẫu nhiên khi cuộc khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ cũng rơi vào đúng lúc EU đang ngày càng mệt mỏi với chính quyền Trump.

Những tuyên bố gần đây của châu Âu về việc ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Erdogan với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước đã thắp lên hy vọng về mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU có thể được hồi sinh.

Tình trạng giữa Mỹ-Thổ-EU được mô tả như “hiệu ứng bập bênh”. Khi quan hệ với một bên bị căng thẳng, quan hệ với phía bên kia có dấu hiệu cải thiện, bất kể sự khác biệt rất lớn trước đó của cả hai.

Vào năm ngoái, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên EU trở nên căng thẳng chưa từng có sau khi chính quyền Erdogan lên tiếng chỉ trích và so sánh các nhà lãnh đạo Đức và Hà Lan với sự tồi tệ của Đức Quốc xã.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy tức giận sau khi đảng của ông bị các nhà chức trách không cho phép tham gia các cuộc vận động ủng hộ kiều dân ở Đức và Hà Lan.

Khi đó, Tổng thống Erdogan đã dựa vào mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Donald Trump để đối trọng với tình trạng xấu đi trong mối quan hệ với châu Âu. Trong đó ông đã đạt được thành công nhất định khi đến Washington vào tháng 9 năm ngoái cho cuộc gặp chính thức đầu tiên với lãnh đạo Mỹ.

"Erdogan đã trở thành một người bạn của tôi ", Tổng thống Trump nói trong chuyến thăm. "Hai chúng tôi chưa bao giờ khăng khít hơn hiện tại". Tuy nhiên lời bình luận của Tổng thống Mỹ là hơi quá sớm, khi chỉ chưa đầy một năm sau, hai nước đã tiến vào một cuộc đối đầu khắc nghiệt.

Với những cam kết từ Moscow và Bắc Kinh trong việc giúp Ankara vượt qua những khó khăn kinh tế hiện tại, người ta thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ không hề cô độc. Ngoài đồng minh chính là Mỹ, chính quyền Erdogan hoàn toàn có thể tìm được người khác thay thế.

Tuy nhiên, logic thay thế “quan hệ đối tác chiến lược” của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ với quan hệ đối tác tương tự với Nga và Trung Quốc vẫn chưa được chứng minh, đặc biệt vì điều này cũng sẽ làm suy yếu quan hệ chính trị và quân sự của Ankara với châu Âu.

Các nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga là không có nội dung chiến lược và chủ yếu sự xích lại gần nhau hai nước chỉ xuất phát từ vì những vấn đề chung mà họ có với châu Âu và Mỹ.

Châu Âu được ưu tiên

Nga-Thổ khó xây dựng mối quan hệ mang tính chiến lược.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker là người đầu tiên “phá băng” với Ankara gần đây khi ông đăng tải trên Twitter bày tỏ niềm vui của mình vào ngày 14/8 về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc trả tự do cho binh lính Hy Lạp bị giam giữ trong nhiều tháng.

Những người lính đã bị bắt sau khi họ vô tình đi lạc qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ thời gian trước. Việc trả tự do là dấu hiệu mà các nhà phân tích cho rằng Ankara đang tìm kiếm mối quan hệ được cải thiện với châu Âu.

Cuộc điện đàm của Tổng thống Erdogan với Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron tuần trước đã được xem như một dấu hiệu cụ thể về sự tan băng khác trong mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu.

Ông Erdogan cũng sẽ đến thăm Đức vào cuối tháng 9. Trong khi đó, Berat Albayrak, con rể của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng được bổ nhiệm làm cố vấn kinh tế mới của đất nước, đang tích cực làm việc với các đối tác Đức và Pháp, đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán kinh tế cấp cao trong những ngày tới.

Phát biểu của nhiều chính trị gia châu Âu - như Andrea Nahles, cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức–nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đối với châu Âu cũng được coi là động thái khuyến khích Ankara.

Có những lý do quan trọng khiến châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ phải hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm cả các khoản nợ khổng lồ Thổ Nhĩ Kỳ đã phát sinh với các ngân hàng châu Âu, các khoản đầu tư lớn của các nước châu Âu ở Thổ Nhĩ Kỳ và nhu cầu tiếp tục hợp tác với Ankara để chống lại làn sóng nhập cư bất hợp pháp, cũng như tình hình khủng bố đang phát triển ở Trung Đông.

Cuộc khủng hoảng với Mỹ cũng đang tập trung sự chú ý của những người ủng hộ ông Erdogan về tầm quan trọng của việc làm sống lại mối quan hệ với châu Âu.

Burhanettin Duran, người đứng đầu quỹ SETA, cho rằng những khó khăn riêng của châu Âu với chính quyền Trump đang đẩy liên minh đến gần Thổ Nhĩ Kỳ hơn.

"Căng thẳng đã đạt đến đỉnh điểm mới, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU bây giờ có thể đang tiến vào đêm trước thời đại mới", Duran viết trên tờ Sabah, đặt trách nhiệm mở ra giai đoạn mới này đối với bà Merkel và ông Macron.

Nhà báo Hurriyet Abdulkadir Selvi, một người ủng hộ chính quyền Erdogan, đồng ý rằng một cơ hội lớn đã đến để làm sống lại mối quan hệ với châu Âu, nhưng không giống Duran, ông đề nghị rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải tự tận dụng cơ hội này.

Tuy nhiên, hai bên vẫn còn những vấn đề bất đồng sâu sắc mà khó vượt qua. Trong đó châu Âu đặc biệt khó tính với những cáo buộc về nhân quyền đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan chắc chắn cũng biết rằng mối quan hệ tốt với châu Âu cuối cùng sẽ vấp phải những điều như vậy. Đó có thể là lý do ông tiếp tục tìm kiếm các đồng minh mới bên ngoài nếp gấp phương Tây truyền thống.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kho-thanh-lien-minh-voi-nga-tho-nhi-ky-chau-au-bat-tay-lam-lanh-a384721.html