Khó tái đàn, lợn đen miền Tây Nghệ An giá cao chưa từng có

Lợn đen đang được nuôi trên địa bàn các huyện vùng cao của Nghệ An hiện có giá từ 130.000 - 170.000 đồng/kg. Đáng nói, bà con muốn tái đàn lợn đen sau dịch tả lợn châu Phi nhưng lại khan hiếm con giống.

Lợn đen vùng cao hiện đang được bán với giá cao chưa từng có, từ 130.000 - 170.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Hoàng

Lợn đen vùng cao hiện đang được bán với giá cao chưa từng có, từ 130.000 - 170.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Hoàng

Thời gian này, giá lợn thịt hơi ở miền xuôi đã vượt mốc 100.000 đồng/kg, thì lợn đen do đồng bào các dân tộc ở các huyện vùng cao Nghệ An nuôi có giá cao kỷ lục, từ 130.000 - 170.000 đồng/kg. Đáng nói, bà con muốn tái đàn lợn đen sau dịch tả lợn châu Phi nhưng lại khan hiếm con giống.

Ông Hạ Bá Thái - Chủ tịch UBND xã Mường Típ (Kỳ Sơn) cho hay, do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, hàng trăm gia đình phải tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. Từ đó, lợn đen hiện có của địa phương còn rất ít, không đáp ứng nhu cầu thịt lợn cho bà con nơi xa trung tâm huyện và chợ của xã khiến giá lợn hơi tăng vọt trong nhiều tháng qua. Loại lợn dưới 15 kg (lợn nít) có giá 170.000 đồng/kg, lợn từ 20 kg trở lên có giá từ 150.000 - 170.000 đồng/kg.

"Xã có kế hoạch tái đàn sau dịch lợn, nhưng do con giống hiếm, giá cao, trong khi điều kiện kinh tế của bà con còn khó khăn nên khó tái đàn" - ông Thái chia sẻ.

Lợn đen được bà con đồng bào vùng cao nuôi theo hình thức thả rông, nên chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng, giá cao. Ảnh: Xuân Hoàng

Đến bản Xốp Phe của xã Mường Típ, quan sát từ đầu đến cuối bản không thấy con lợn thả rông nào. Ông Nguyễn Phò Tim - Bí thư chi bộ cho biết, trước đây bà con có nuôi khá nhiều lợn thả rông, nhưng do dịch tả lợn và giết mổ lợn trong dịp tết vừa rồi, nên không còn lợn nữa. "Bản có 74 hộ, nhưng hiện chỉ vài hộ có nuôi lợn với số lượng ít. Bà con giờ muốn mua lợn về nuôi cũng rất khó, vì không biết mua con giống ở mô" - ông Tim bộc bạch.

Xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) là địa phương có số lượng lợn bị nhiễm dịch tả lợn ít, nên hiện nay số hộ nuôi lợn còn khá nhiều, đặc biệt là đồng bào Mông. Do vậy, thời điểm này một số thương lái đã đến địa phương để mua lợn. Tìm hiểu được biết, giá lợn ở đây dao động từ 130.000 - 160.000 đồng/kg.

Ông Hờ Bá Chá - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết, hiện trong xã có nhiều hộ đang nuôi khá nhiều lợn, từ 5 - 10 con. Tuy nhiên, do giá lợn hơi cao nên khi có lợn đẻ, bà con để nuôi là chính, ít bán lợn giống như trước.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn, trên địa bàn huyện hiện có hơn 24.000 con lợn, giảm hơn 2.000 con so với trước tết. "Hiện nay, huyện đã có kế hoạch tái đàn ở những xã đã hết dịch, nhưng do giá lợn cao, hơn nữa lợn giống khan hiếm nên khó tái đàn" - ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn cho hay.

Lợn đen đang tăng giá cao, nên một số hộ đầu tư nuôi nhốt. Ảnh: Quang An

Trên địa bàn huyện Tương Dương giá lợn đen cũng tăng cao tương tự như Kỳ Sơn. Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, giá lợn đen tăng cao là do không có lợn bán. Trước tết Nguyên đán vừa rồi, đàn lợn của huyện có gần 24.000 con, nhưng hiện nay giảm xuống còn gần 17.000 con. Hiện bà con muốn tái đàn cũng khó, vì con giống khan hiếm và giá cao.

Qua tìm hiểu được biết, lợn đen ở các huyện khác: Quế Phong, Quỳ Châu... cũng tăng giá mạnh từ 120.000 - 160.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn đen ở vùng cao Nghệ An tăng cao chưa từng có là do đàn lợn giảm mạnh và lợn giống khan hiếm, bà con khó tái đàn./.

Xuân Hoàng - Quang An

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/kho-tai-dan-lon-den-mien-tay-nghe-an-gia-cao-chua-tung-co-268798.html