Khó 'tách', 'nhập' giám định án tham nhũng

Đây là thực trạng được phản ánh tại tọa đàm 'Việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 21/2, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Nguyễn Công Hồng.

Thượng tá Lê Đức Trường – đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an khẳng định: Kết luận giám định là nguồn chứng cứ rất quan trọng, có những trường hợp không thể thiếu để C03 làm căn cứ đánh giá, kết luận điều tra vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Thượng tá Trường cho biết, thời gian qua, hầu hết các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đều phải sử dụng triệt để quy định về những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định theo Điều 4 Thông tư liên tịch số 1 năm 2017 của các cơ quan tư pháp Trung ương. Các nội dung cần giám định là về tiền lãi suất vay ngân hàng phát sinh khi các đối tượng vi phạm quy định trong sử dụng vốn nhà nước dẫn tới dự án bị chậm tiến độ, kéo dài, gây thiệt hại.

Thượng tá Lê Đức Trường nêu nhiều vướng mắc trong công tác giám định.

Thượng tá Lê Đức Trường nêu nhiều vướng mắc trong công tác giám định.

Tuy nhiên, theo ông Trường, có nhiều vụ việc nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, rất phức tạp nên giám định viên từng mảng phải có cơ chế để thường xuyên trao đổi, phối hợp với nhau thực hiện nội dung giám định mới có thể kết luận giám định được chính xác, khách quan.

Ông dẫn chứng, vụ cố ý làm trái, tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) cần sự tham gia của cả giám định viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng khi giám định thiệt hại của việc thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Từ đó, các cơ quan xác định được ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch PVN đã chỉ đạo việc ký hợp đồng trái quy định của pháp luật, tạm ứng trái quy định số tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng. Giám định viên kết luận được các nhà thầu sử dụng sai mục đích số tiền hơn 1.100 tỷ đồng được tạm ứng. Giám định viên tài chính tính được số tiền gây thiệt hại do hành vi của các đối tượng là gần 120 tỷ đồng, là tiền lãi số tiền tạm ứng bị sử dụng sai mục đích.

Quang cảnh tọa đàm.

Bên cạnh đó, có một số trường hợp các cơ quan có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giám định khi vụ án thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của cơ quan đó. Chẳng hạn, có vụ việc khi C03 trưng cầu giám định, cả Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải đều từ chối giám định và đến khi có ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải mới cử giám định viên thực hiện ngay yêu cầu của C03.

“Sau 21 tháng từ khi có quyết định trưng cầu mới có kết luận giám định” – ông Trường phàn nàn.

Bày tỏ sự đồng tình, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chỉ ra thực tiễn công tác giám định có nhiều trường hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức. Điều đó càng khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi khoản 3, 4 Điều 25 Luật Giám định tư pháp.

Nhìn chung, cách xử lý tình huống giám định những nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của nhiều cơ quan trong sửa đổi Luật Giám định tư pháp hiện nay thì ưu tiên hàng đầu vẫn là tách ra, giao trách nhiệm giám định cho từng cơ quan, qua đó bảo đảm tính chính xác, nhanh chóng của việc thực hiện giám định. Chỉ trong một số trường hợp rất hạn hữu, cá biệt với những điều kiện riêng thì sẽ tiến hành việc cùng giám định bằng cách giao cho 1 tổ chức chủ trì, các tổ chức khác phối hợp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại tọa đàm.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, Thứ trưởng Hiếu nhận thấy, cách tiếp cận của dự thảo Luật là trường hợp hạn hữu thì cần nghiên cứu kỹ, quy định thật rõ những tiêu chí không tách được các nội dung giám định. Dự thảo hiện có 2 tiêu chí được hiểu là 2 trường hợp: tách riêng gây khó khăn cho việc giám định, tách riêng làm kéo dài thời gian.

“Tôi thấy mơ hồ về gây khó khăn (phát sinh từ nhiều nguyên nhân), nếu chung chung thì khi áp dụng lại dễ tùy tiện. Nhìn chung các cơ quan cũng muốn thể hiện làm riêng, dù làm riêng thì có thể ảnh hưởng đến kết quả giám định” – Thứ trưởng Hiếu phân tích.

Theo Thứ trưởng, trường hợp kéo dài có thể hình dung được chứ gây khó khăn cần rất cụ thể. Ông đề nghị cân nhắc tiêu chí thêm nếu nội dung tương đối độc lập thì không nên gộp lại, còn nếu nội dung khác nhau có quan hệ mật thiết với nhau thì mới cùng làm. Nếu tách thì ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả giám định vì có những nội dung phải giám định đồng thời mới rõ được.

Đồng thời, cần xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị (chủ trì, phối hợp), điều kiện tiên quyết để tránh đùn đẩy trách nhiệm, quy định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, nội dung giám định nào do cơ quan nào tiến hành thì sau mới dễ xác định trách nhiệm.

H.Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/kho-tach-nhap-giam-dinh-an-tham-nhung-495332.html