Khó quản dịch vụ đòi nợ

Người vay nợ lẫn dịch vụ đòi nợ đều có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu cư xử trái chuẩn mực pháp luật đề ra, trong mọi tình huống

Một thời gian dài, "đòi nợ thuê" là cụm từ gây nhiều ám ảnh. Đó hầu như là nỗi ám ảnh đối với những người vay tiền nhưng nay nỗi ám ảnh đó không tha cả những người đi đòi nợ với danh nghĩa công ty dịch vụ đòi nợ. Vụ việc xảy ra gần đây nhất ở tỉnh Quảng Ninh là minh chứng điển hình.

Nguồn cơn tù tội

Hiện Công an thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) tiếp tục làm rõ vụ việc 3 nhân viên thuộc Công ty CP Dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh (trụ sở tại TP HCM) bị người vay nợ hành hung. Nếu nạn nhân có kết quả giám định thương tật trên 11% thì nhiều khả năng cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Trước đó, 5 người thuộc doanh nghiệp nói trên đến nhà ông Đỗ Đức Lân (SN 1974; trú tại xã Yên Thọ, thị xã Đông Triều) đòi nợ theo yêu cầu từ khách hàng đã cho ông Lân mượn 400 triệu đồng nhưng nhiều năm không được trả tiền. Một người trong nhóm này túm cổ áo, tát con trai ông Lân. Nghe con cầu cứu, ông Lân đánh trả. Kết quả, 3/5 người bầm dập, thương tích. Gia đình người vay nợ bắt 3 người đi đòi nợ nằm sấp dưới nền nhà xưởng, quay video và tung lên mạng xã hội.

Đây không là vụ việc hy hữu mà người đòi nợ thuê nếm cái kết đắng và kéo theo là chuyện người vay nợ gánh chịu hậu quả nặng nề không kém. Đơn cử, ông Lương Xuân Trường (SN 1973, ngụ TP HCM) đã lãnh 15 năm tù về tội "Giết người". Do tức giận, ông Trường dùng dao chém người đến nhà đòi nợ khiến anh này tử vong. Tương tự, Chảo Văn Trình (SN 1992) và Nguyễn Văn Vũ (SN 1997, cùng quê Lào Cai) trả giá bởi hành vi cố ý gây thương tích. Trình và Vũ làm việc trong một tổ chức chuyên đòi nợ thuê, đến nhà bà T.T.C (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) đòi 5 triệu đồng. Trong lúc đòi nợ, Trình và Vũ đe dọa, hành hung bà C. Hậu quả, Công an quận Thủ Đức khởi tố vụ án cố ý gây thương tích; 2 thanh niên chịu trách nhiệm hình sự do hành vi mình gây ra.

Theo thống kê, TP HCM có khoảng 30 công ty, đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 17 trường hợp chưa xuất trình được các hồ sơ, tài liệu chứng minh việc đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tài chính…

Một nhóm dịch vụ đòi nợ uy hiếp người vay nợ ở TP HCM. Ảnh: DI LÂM

Một nhóm dịch vụ đòi nợ uy hiếp người vay nợ ở TP HCM. Ảnh: DI LÂM

Trách nhiệm đôi bên

Việc quản lý doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đang là mối lo của các ngành chức năng. Chưa kể, thực tế, nhiều tổ chức, nhóm đòi nợ thuê tự phát ngang nhiên "làm ăn", bất chấp chế tài. Theo đại diện Công an quận Thủ Đức (TP HCM), không ít công ty đòi nợ thuê có hẳn đội ngũ cố vấn pháp luật chuyên nghiệp. Đội ngũ này sẽ tư vấn cách đòi nợ trong giới hạn cho phép, sao cho pháp luật khó can thiệp. Công ty đòi nợ thường khéo léo phối hợp với đối tượng cho vay nặng lãi khi đòi nợ. Vì thế, cơ quan công an rất khó xử lý hình sự khi xảy ra tình huống gây mất an ninh trật tự.

Nhằm đối phó với tình trạng dịch vụ đòi nợ hành xử kiểu giang hồ, trung tá Nguyễn Văn Dũng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM, khuyến cáo người dân chú ý thu thập những bằng chứng, hình ảnh tạt sơn, đập phá, hành hung…; lấy đó làm cơ sở trình báo, tố giác.

Ở khía cạnh khác, luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng người cho vay tìm đến công ty dịch vụ đòi nợ là giải pháp đúng đắn, giảm rủi ro hơn so với cách tìm nhóm xã hội đen, đòi nợ thuê tự phát. Luật sư cho biết muốn kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cá nhân hay tổ chức phải thành lập doanh nghiệp. Cá nhân không được phép tự kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trong quá trình hoạt động dịch vụ này, doanh nghiệp thực hiện theo Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Luật Doanh nghiệp 2014; Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, nếu người đòi nợ chửi bới gây mất an ninh trật tự, dọa nạt hay hành hung người vay nợ thì chịu chế tài tùy mức độ vi phạm (xử lý hình sự hoặc phạt vi phạm hành chính). Cơ quan có thẩm quyền có thể xử phạt hành chính doanh nghiệp có nhân viên sai phạm dựa trên những điều luật kể trên. Bên cạnh đó, luật sư lưu ý việc người vay tiền chây ì, không trả nợ là dấu hiệu cấu thành tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" (theo điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015). Tình tiết người vay không trả nợ, cố tình hành hung người đòi nợ có thể là biểu hiện của ý thức chiếm đoạt khoản nợ.

Bài và ảnh: DI LÂM - TRỌNG ĐỨC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/kho-quan-dich-vu-doi-no-20190408215933307.htm