Khó phục hồi thị trường xuất khẩu lao động

Theo đánh giá của một số chuyên gia, tình hình xuất khẩu lao động, việc làm của Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề và khó phục hồi kể cả khi hết dịch.

Lao động Việt Nam làm nông nghiệp tại Hàn Quốc.

Lao động Việt Nam làm nông nghiệp tại Hàn Quốc.

Thị trường lao động khó phục hồi

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đặt ra kế hoạch, năm 2021 đưa khoảng 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những năm tiếp theo, khi tình hình dịch ổn định có khoảng 120 - 150 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước: “Năm 2021, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ chủ động tập trung triển khai ngay công tác trọng tâm như xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), công tác ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước”.

Ông Liêm cho rằng, trong năm 2020, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nó chỉ đứng sau ngành hàng không và khách sạn, du lịch.

Chia sẻ về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong thời điểm hiện nay, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định là rất khó. Thậm chí ngay cả khi dịch đi qua, thị trường lao động được dự báo là không thể quay trở về như cũ. Số người thất nghiệp, bị mất việc sẽ phải tìm việc làm mới. Việc kết nối giữa nhu cầu việc làm của một nền kinh tế sẽ là thách thức rất lớn đối với chính sách thị trường lao động.

Cho rằng thị trường lao động hiện nay khó phục hồi, song theo bà Hương vẫn có những tia sáng khi sắp có vắc-xin. Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua vẫn trên đà tăng trưởng. Nếu như được tiếp sức tốt hơn, thì một số ngành dự báo vẫn tăng nhu cầu lao động như xây dựng, công nghiệp chế biến để có thể tạo ra được cú hích lớn.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, dự báo tình hình lao động trong thời gian tới sẽ còn phụ thuộc vào công tác phòng dịch của chúng ta. Mặc dù, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch nhưng trên thế giới tình hình vẫn phức tạp. Sự giao thương giữa các đối tác quen thuộc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu đang bị ảnh hưởng.

“Nếu chúng ta kiểm soát tốt dịch, nền kinh tế sẽ có sự chuyển biến dẫn đến tạo nhiều việc làm cho người lao động. Chúng tôi không muốn nhìn thấy gam màu xám trong dự báo nhưng nếu kịch bản dịch xấu hơn, việc ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp sẽ xảy ra hiện tượng thừa lao động dẫn đến thất nghiệp. Vì vậy, thị trường lao động chuyển biến tốt hay không là do công tác phòng dịch tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới”, ông Thành nhận định.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH).

Công khai minh bạch các thông tin tuyển dụng

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, năm 2021 có thể sẽ vẫn khó khăn với hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ chủ động tập trung triển khai ngay công tác trọng tâm như xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ và Bộ giao đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Đồng thời, tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện thể chế, xây dựng dự thảo trình Bộ để trình Chính phủ ban hành nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua trong năm 2020 đã tạo ra tính minh bạch thông tin, góp phần thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Một trong những điểm nhấn của Luật là tạo điều kiện để người lao động tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin tuyển dụng. Luật yêu cầu doanh nghiệp phải công khai minh bạch các thông tin tuyển dụng trên website; tăng cường năng lực quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp; cấm đưa thông tin sai sự thật; doanh nghiệp chỉ được thu phí dịch vụ, Luật không cho phép thu phí môi giới của người lao động. Điều này góp phần giảm chi phí cho người lao động, tăng tính minh bạch trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Luật cũng sẽ thắt chặt quản lý và nâng cao điều kiện cấp phép cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Luật lần này cũng mở ra cơ hội cho người lao động được đi làm việc ở nước ngoài ngắn hạn theo thỏa thuận giữa các địa phương của 2 nước. Trước đây, một số địa phương đã triển khai thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc và đã đạt được kết quả khả quan.

Theo số liệu báo cáo, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 là 78.641 lao động (28.786 nữ), đạt 60,5% kế hoạch được giao năm 2020 (130.000 lao động), bằng 112,3% kế hoạch đã điều chỉnh của năm (70.000 lao động). Số liệu lao động xuất cảnh của một số thị trường chính như: Nhật Bản: 38.891 lao động (15.900 nữ); Đài Loan: 34.573 lao động (12.452 nữ); Hàn Quốc: 1.309 lao động (44 nữ); Rumani: 924 lao động (113 nữ); Qatar: 776 lao động; Trung Quốc: 596 lao động nam; Singapore: 537 lao động nam…

Về công tác xây dựng thể chế, Cục Quản lý lao động ngoài nước là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi), báo cáo Bộ trình Chính phủ, Quốc hội thông qua và ban hành ngày 13/11/2020 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/kho-phuc-hoi-thi-truong-xuat-khau-lao-dong-OBS9yArGR.html