Khó phát huy nội lực

Sau gần 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng mới đạt được gần 1/3 tiêu chí. Sự đồng thuận của người dân là chưa đủ để tạo đòn bẩy giúp Thịnh Vượng vượt qua các chướng ngại vật trong quá trình xây dựng NTM.

Người dân ở Thịnh Vượng tự may, thêu quần áo truyền thống. Ảnh: An Nhiên

Người dân ở Thịnh Vượng tự may, thêu quần áo truyền thống. Ảnh: An Nhiên

Ông Nông Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Thịnh Vượng cho biết, thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy, chính quyền xã đã cụ thể hóa phong trào bằng các chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế. Các tổ chức đoàn thể từ xã đến xóm đã tổ chức các phong trào, cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng NTM một cách thiết thực, hiệu quả như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM ở khu dân cư”, “5 không, 3 sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, kết quả thực hiện những phong trào trên chưa đủ lực để Thịnh Vượng bứt lên trong quá trình xây dựng NTM. Hiện, dân số toàn xã Thịnh Vượng chỉ vẻn vẹn 804 người, đa số là người dân tộc Dao Tiền. Người dân chủ yếu làm nương rẫy, thu nhập thấp. Dân cư sinh sống thưa thớt, dân trí không đồng đều, trong xã chưa có sản xuất hàng hóa. Nói về những khó khăn trong xây dựng NTM, ông Khánh cho hay: “Thịnh Vượng là xã thuần nông, cơ sở hạ tầng phát triển thiếu đồng bộ, mức sống của người dân nói chung còn thấp đã gây những khó khăn nhất định trong việc huy động nguồn vốn, tiềm lực để xây dựng NTM. Bên cạnh đó, một số người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, thiếu sự nỗ lực tự lực phấn đấu nên việc tuyên truyền, vận động thực hiện các chương trình dự án khó tiếp nhận và chậm chuyển đổi”.

Thực tế, xuất phát điểm để xây dựng NTM ở Thịnh Vượng khá thấp so với mặt bằng chung khi mà tỉ lệ hộ nghèo ở đây lên tới hơn 69%, cơ sở hạ tầng thấp kém. Sau 10 năm tổ chức thực hiện, xã Thịnh Vượng huy động mọi nguồn lực được hơn 27 tỉ đồng để xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 3,2 tỉ đồng và hiến hơn 35.000m2 đất để xây dựng các công trình cộng đồng.

Kết quả xây dựng NTM ở Thịnh Vượng được coi là khá khiêm tốn khi mới chỉ hoàn thành 6/19 tiêu chí (quy hoạch; thông tin và truyền thông; lao động có việc làm; văn hóa; hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng và an ninh). Chia sẻ về việc thực hiện các tiêu chí còn lại, lãnh đạo UBND xã Thịnh Vượng cho biết, khó nhất là thu nhập. Nguyên nhân là diện tích đất canh tác ít, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên. Trong khi người dân chủ yếu trồng ngô, lúa nương, chăn nuôi nhỏ lẻ, trồng rừng, cây dược liệu, giá trị kinh tế không cao.

Thực tế, chính quyền xã Thịnh Vượng đã lồng ghép các nguồn vốn phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cho các hộ nghèo, đồng thời triển khai một số mô hình sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân như mô hình chăn nuôi gà thả vườn, nuôi lợn thịt, trồng sắn... Tuy nhiên, số vốn đầu tư cho phát triển sản xuất còn rất ít, chỉ khoảng 10-45 triệu đồng cho một mô hình với sự tham gia của 10 hộ dân. Các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ ở Thịnh Vượng chưa có chuyển biến tích cực, hoạt động kém hiệu quả. Đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của Thịnh Vượng mới chỉ đạt 8,5 triệu đồng/người, còn khoảng cách khác xa mới tiệm cận được tiêu chí thu nhập chuẩn trong xây dựng NTM.

Anh Bàn Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND xã Thịnh Vượng cho biết thêm, ngoài tiêu chí thu nhập, nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội cũng đang là một thách thức. Đầu tiên là việc xây dựng hệ thống giao thông. Từ khi xây dựng NTM, Thịnh Vượng ưu tiên mở mới và bê tông hóa một số tuyến đường ngõ, tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế do người dân cư trú thưa thớt, đường vào nhà các hộ dân dài, cần đầu tư lớn. Đến cuối năm 2019, mới chỉ có gần 2km đường trục thôn, bản và đường liên thôn ở đây được bê tông hóa, còn lại vẫn là đường đất, chật hẹp, lầy lội vào mùa mưa, chưa được xây dựng theo quy chuẩn, khó khăn cho việc giao thương hàng hóa. Ngoài ra, đường trục chính nội đồng 100% chưa được cứng hóa. Hệ thống kênh mương của xã Thịnh Vượng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu. Về hệ thống điện, đến nay, mới chỉ có ¾ xóm ở Thịnh Vượng có điện lưới quốc gia. Tính chung cả xã, tỉ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn chỉ đạt 57%. Về trường học, Thịnh Vượng có đủ 3 cấp học nhưng chưa đạt chuẩn quốc gia.

Một khó khăn nữa mà Thịnh Vượng đang phải nỗ lực giải quyết là thực hiện nhóm tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Theo UBND xã Thịnh Vượng, hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao còn hạn chế do thiết chế văn hóa nông thôn còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa chưa đảm bảo, một số tệ nạn xã hội vẫn còn. Cũng như nhiều xã miền núi khác, môi trường đang là vấn đề nan giải đối với Thịnh Vượng, nhất là việc xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

UBND xã Thịnh Vượng đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và trở thành xã có kinh tế phát triển bền vững. Trong đó, một số mục tiêu cụ thể đặt ra là tỉ lệ hộ nghèo đạt dưới 35%; thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm; 100% dân số được sử dụng điện, nước hợp vệ sinh; 50% đường trục xóm, liên xóm được cứng hóa đạt chuẩn... Để đạt được mục tiêu này, theo dự tính, Thịnh Vượng cần khoảng 138 tỉ đồng – một con số không nhỏ để thực hiện mục tiêu trên.

Có thể thấy, để hoàn thành được 19 tiêu chí xây dựng NTM trong bối cảnh xuất phát điểm thấp như hiện tại, ngoài quyết tâm chính trị, sự đồng thuận của người dân, Thịnh Vượng đang rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/kho-phat-huy-noi-luc/