Khó nới hạn mức tăng trưởng tín dụng

Mặc dù còn tới gần 5 tháng nữa mới kết thúc năm 2022, song nhiều ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ đầu năm. Bởi vậy, nhiều ngân hàng thương mại đang chờ được nới room tăng trưởng tín dụng từ cơ quan chức năng, vì cuối năm là thời điểm nhu cầu vay vốn tăng cao. Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay không thay đổi và việc cấp room phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của từng ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều ngân hàng đã “cạn” room

Đến đầu tháng 8-2022, chưa có ngân hàng thương mại nào được cấp thêm room tăng trưởng tín dụng, trong khi, tính đến ngày 26-7, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,42%. Với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong hơn 5 tháng cuối năm 2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm gần 4,6%, tương đương quy mô khoảng 478.000 tỷ đồng.

Thực tế, ngay từ cuối tháng 5-2022, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần lớn như: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công thương Việt Nam (VietinBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Quân đội (MBBank)… đã liên tục đề xuất được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, ngân hàng đã chạm sát trần tăng trưởng tín dụng được phép, trong khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân tiếp tục tăng cao sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Với Vietcombank, dư nợ của riêng ngân hàng mẹ tăng 14,6%. BIDV được giao room tín dụng 10% và đã tăng trưởng chạm mốc 9,8%. Còn MBBank đã đạt 14,25%, xấp xỉ mức trần tín dụng được cấp là 15%... Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) Nguyễn Thị Hương cho biết, đến hết tháng 6-2022, ngân hàng đã sử dụng 99% hạn mức tín dụng, bởi vậy, trong những tháng cuối năm, ABBank kỳ vọng sẽ được Ngân hàng Nhà nước mở rộng room tín dụng. Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) Lưu Thị Thảo thừa nhận, hết room tín dụng là vấn đề “đau đầu” của nhiều ngân hàng hiện nay.

Ngân hàng sẽ phải thích nghi

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Wigroup (doanh nghiệp công nghệ sắp xếp dữ liệu tài chính) Trần Ngọc Báu phân tích, room tín dụng là công cụ trong điều hành chính sách tiền tệ. Tại mỗi thời điểm, chỉ tiêu này sẽ được sử dụng theo những cách khác nhau. Hiện, tăng trưởng tín dụng cao, tăng trưởng huy động thấp, trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng đã cạn, nên nới room tín dụng sẽ đồng nghĩa với việc “bóp mạnh” thanh khoản hệ thống ngân hàng, khiến các ngân hàng phải tăng huy động để có nguồn vốn cho vay, dẫn đến cuộc đua lãi suất trên thị trường.

“Mọi năm, Ngân hàng Nhà nước nới room mà lãi suất huy động không tăng nhiều là do Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ bình quân 10-15 tỷ USD/năm, qua đó "bơm" ra thị trường tương ứng 300.000-400.000 tỷ đồng. Số vốn này giúp hệ thống ngân hàng không gặp quá nhiều áp lực khi tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động. Tuy nhiên, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước ngừng mua USD và còn bán ròng xấp xỉ 12-13 tỷ USD, qua đó rút về tiền đồng. Vì vậy, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước không nới room, các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động. Nếu nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thì cũng phải đến quý IV-2022, khi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định hơn”, ông Trần Ngọc Báu nhận định.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa lại cho rằng, áp lực lạm phát đến từ cả trong nước và quốc tế khó để Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng cụ thể thời điểm này. Nới lỏng tín dụng có thể khiến lạm phát tăng cao, nhưng thắt chặt tín dụng lại khiến nền kinh tế thiếu vốn, giảm cung hàng hóa, từ đó đẩy giá cả leo thang và vẫn khiến lạm phát tăng cao. Mức tăng trưởng tín dụng 14%/năm, tương đương hơn 1,46 triệu tỷ đồng được "bơm" ra nền kinh tế là hợp lý, bảo đảm được mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định lãi suất huy động trong nửa cuối năm nay.

Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng cho biết, hạn mức được cấp thêm bao nhiêu và khi nào được nới room phụ thuộc vào cơ quan quản lý. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng sẽ phải thích nghi, tìm giải pháp để bảo đảm tăng trưởng tổng thu nhập thông qua đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi, kinh doanh dịch vụ.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Phạm Chí Quang cho biết, trong 3 năm gần nhất, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đều trên 20%/năm, vượt khả năng quản trị rủi ro của ngân hàng và khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế. Vì vậy, nếu nới room theo nhu cầu của các ngân hàng, lượng tiền đổ vào nền kinh tế sẽ rất lớn, từ đó tạo áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, việc nới hạn mức tín dụng có thể dẫn đến một cuộc đua tăng lãi suất huy động, từ đó gây ra phản ứng dây chuyền là lãi suất cho vay tăng, nợ xấu tăng. Vì vậy, hiện Ngân hàng Nhà nước sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay và việc cấp room sẽ dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/1039333/kho-noi-han-muc-tang-truong-tin-dung