Kho ngoại quan - Những nguy cơ tiềm ẩn- Bài 2: Ra khỏi kho ngoại quan, hàng hóa đi đâu?

Để đi tìm câu trả lời, phóng viên Báo Hải quan đã trực tiếp đến tận địa bàn biên giới nơi tập trung nhiều kho ngoại quan và đã ghi nhận được thực trạng.

Công chức Hải quan Quảng Ninh kiểm tra dữ liệu trên hệ thống máy vi tính. Trên tường của văn phòng làm việc dành cho công chức Hải quan tại KNQ của Công ty CP Qufico trang bị hệ thống màn hình kết nối toàn bộ camera của kho. Ảnh: Q.Hùng

Công chức Hải quan Quảng Ninh kiểm tra dữ liệu trên hệ thống máy vi tính. Trên tường của văn phòng làm việc dành cho công chức Hải quan tại KNQ của Công ty CP Qufico trang bị hệ thống màn hình kết nối toàn bộ camera của kho. Ảnh: Q.Hùng

Móng Cái (Quảng Ninh): KNQ “kín cổng cao tường”

Đó là hình ảnh phóng viên trực tiếp ghi nhận khi thị sát ở TP Móng Cái- địa bàn có nhiều KNQ nhất tại tỉnh Quảng Ninh.

Hiện phía Trung Quốc coi hàng hóa TNTX là hàng lậu, do đó, nếu cứ để bao bì, xuất xứ của nước thứ 3 thì sẽ không xuất qua được cửa khẩu chính, đường mòn lối mở. Theo một số “cửu vạn” tại cửa khẩu Chi Ma, để xuất được hàng, một số DN đã thuê “cửu vạn” xé bỏ bao bì, nhãn mác, lồng hàng hóa vào các bao tải sau đó đưa lên xe chở ra các điểm thông quan, lối mở… chờ cơ hội đưa sang Trung Quốc.

Tại KNQ của Công ty Qufico (phường Ninh Dương, TP Móng Cái), hình ảnh đầu tiên chúng tôi ghi nhận là toàn bộ hệ thống tường rào cứng bao bọc toàn bộ hệ thống kho, bãi bên trong. Phía trên có gia cố thêm dây thép gai và dọc 4 phía hàng rào đều có camera giám sát. Khi chúng tôi có mặt, hệ thống cổng cũng được đóng kín, phía trong, một số xe tải đang xếp hàng đưa ra cửa khẩu xuất, hàng hóa chủ yếu là rượu ngoại, thuốc lá ngoại.

Làm việc với phóng viên, đại diện Công ty cho biết, KNQ được Tổng cục Hải quan quyết định thành lập từ năm 1995, có tổng diện tích 3.500 m2 (gồm 864 m2 kho và 2.636 m2 bãi). Ban đầu KNQ thuộc sở hữu của Công XNK Quảng Ninh, nhưng đến năm 2016 được chuyển quyền sở hữu cho Công ty CP Qufico. Đây được xem là kho có lượng hàng hóa nhiều nhất ở địa bàn Móng Cái và cả tỉnh Quảng Ninh với trị giá kim ngạch nhập KNQ đạt gần 407 triệu USD và kim ngạch xuất KNQ là gần 409 triệu USD (cập nhật từ đầu năm đến trung tuần tháng 11/2019).

Hình ảnh hoạt động tại KNQ của Công ty CP Qufico ngày 2/1/2019 được lưu trữ trên hệ thống do phóng viên chụp lại hồi trung tuần tháng11/2019. Ảnh: Q.Hùng

Theo bản vẽ do đại diện Công ty cung cấp cho phóng viên, hiện KNQ này có 3 nhà kho và hệ thống bãi, tất cả các khu vực bên trong kho, bãi, dọc theo hàng rào đều có hệ thống camera giám sát và văn phòng làm việc của công chức hải quan đặt ngay bên trong kho. Khi phóng viên yêu cầu nhân viên Công ty kiết xuất hình ảnh lưu trữ về hoạt động của kho vào tháng 1/2019 (cách thời điểm phóng viên có mặt hơn 10 tháng) hình ảnh vẫn được lưu trữ theo quy định.

Cách đó vài km là KNQ của Công ty TNHH Quốc Đạt (được thành lập năm 2016) có tổng diện tích gần 18.000 m2 gồm kho, bãi, khu nhà văn phòng (gồm cả văn phòng làm việc của công chức hải quan), xung quanh kho đều có hệ thống hàng rào cứng, camera giám sát. Theo bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất do đại diện Công ty cung cấp, trong KNQ có 5 kho lạnh, còn lại là diện tích bãi. Hàng hóa gửi KNQ này chủ yếu là rượu ngoại, thuốc lá ngoại, thịt trâu đông lạnh. Về hình ảnh lưu trữ, đại diện Công ty cho hay, hệ thống lưu trữ được hình ảnh từ cuối tháng 7/2019, do thời điểm trước đó, tại kho bị sự cố sét đánh vào hệ thống điện, khiến hệ thống camera, đầu ghi, ổ cứng dữ liệu bị cháy, không thể sửa chữa nên mất dữ liệu trước đó…

Trên địa bàn Quảng Ninh, hiện có 20 KNQ, tập trung nhiều nhất ở TP Móng Cái với 17 kho do Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái quản lý. Trong đó có 1 kho tạm dừng hoạt động từ tháng 5/2019. Ngoài ra còn 2 kho tại khu vực cảng Cái Lân (do Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai quản lý) và 1 kho tại huyện Bình Liêu (do Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô quản lý). Để tăng cường việc chấp hành pháp luật trong hoạt động KNQ, tháng 10/2019, Cục Hải quan Quảng Ninh quyết định thành lập đoàn kiểm tra tình hình hoạt động toàn bộ hệ thống KNQ trên địa bàn với sự giám sát của đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan.

Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình- Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (tháng 8/2019), UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo: Thời gian qua các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã bắt giữ một số lượng lớn thuốc lá điếu (555-không có xuất xứ Việt Nam, ESSE) và rượu ngoại dòng Whisky. Thuốc lá điếu, rượu được vận chuyển lậu trên cả tuyến đường bộ và đường biển. Tuy nhiên qua điều tra, xác minh, xử lý vi phạm chưa đủ căn cứ để chứng minh nguồn gốc của hàng hóa trên là từ hoạt động tạm nhập, tái xuất, KNQ thẩm lậu vào thị trường nội địa. Số lượng các mặt hàng thuốc lá điếu và rượu ngoại nêu trên chiếm rất nhỏ so với tổng lượng kinh doanh theo loại hình tạm nhập, tái xuất, KNQ nói chung trên địa bàn tỉnh. Dù vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, gửi KNQ đối với các mặt hàng thuốc lá điếu nhãn hiệu 555- không có xuất xứ Việt Nam, ESSE và rượu ngoại dòng Whisky tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh để tăng cường công tác quản lý nhà nước, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Được biết, sau khi có đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh, ý kiến của các bộ, ngành liên quan, mới đây, Chính phủ giao Bộ Tài chính (công văn 10263/VPCP-KTTH ngày 8/11/2019 của Văn phòng Chính phủ - PV) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi KNQ theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Lạng Sơn: Khó kiểm soát hàng gửi kho ngoại quan

Lạng Sơn là tỉnh có hoạt động XNK với Trung Quốc rất sôi động. Đây cũng là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh KNQ.

Theo báo cáo của Cục Hải quan Lạng Sơn, hiện trên địa tỉnh Lạng Sơn có 7 DN kinh doanh KNQ, tập trung tại các cửa khẩu Tân Thanh (1 kho), Cốc Nam (2 kho) và Chi Ma (4 kho). Mặt hàng gửi KNQ chủ yếu là thực phẩm đông lạnh, nông sản, thủy hải sản, mỹ phẩm, tạp hóa, rượu, thuốc lá… Trong đó, mặt hàng thực phẩm đông lạnh, nông sản chiếm tỷ trọng trên 80%. Ngoài hàng hóa xuất KNQ làm thủ tục tại KNQ trên địa bàn tỉnh còn có hàng hóa xuất KNQ làm thủ tục tại KNQ thuộc các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… Đặc biệt, phần lớn các KNQ đều nằm trong khu vực cửa khẩu, song cũng có những KNQ nằm ngoài khiến hoạt động kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc cho phép hàng hóa gửi KNQ XK qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, điểm thông quan đang tiềm ẩn nguy cơ có thể là bất hợp pháp với Trung Quốc. Hay hàng hóa gửi KNQ tái xuất thường phải chia nhỏ để vận chuyển qua biên giới cũng là một trong những sơ hở mà lực lượng chức năng chưa thể kiểm soát hết. Mặt khác việc nắm bắt thông tin về chính sách biên mậu của Trung Quốc chưa kịp thời, khi Trung Quốc thắt chặt quản lý hàng hóa qua biên giới, nhiều lô hàng hóa tái xuất không thể đi qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định mà đi qua lối mòn, lối mở. UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định việc này gây khó khăn trong việc kiểm soát của các lực lượng.

Đặc biệt, theo đánh giá của UBND tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua cũng có một số DN không khai hoặc khai không đúng tên hàng, mã số hồ sơ, số lượng, khối lượng hàng hóa, lợi dụng hình thức gửi KNQ để TNTX hàng hóa né tránh các quy định về kinh doanh TNTX…

Điển hình trong quý III, Chi cục Hải quan Cốc Nam đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Logistic Tancate, Công ty TNHH Nam Vương Logistic; Công ty TNHH quốc tế Sao Bắc, Công ty TNHH TM và XNK Tuấn Sơn và Công ty TNHH MTV Minh Hà LPT về hành vi không khai hoặc khai sai so với thực tế tên hàng, chủng loại, mã số, khối lượng, xuất xứ hàng hóa đưa vào KNQ.

Cũng theo đánh giá của các lực lượng chức năng trên địa bàn Lạng Sơn, thời gian qua, vi phạm phổ biến nhất là DN sử dụng “chiêu” không khai hoặc khai sai so với thực tế tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa; đưa vào KNQ hàng hóa thuộc diện không được lưu giữ trong KNQ theo quy định.

Mục đích của việc cố ý đưa loại hàng hóa không được gửi KNQ, nhằm trốn thuế, né tránh sự kiểm tra của cơ quan Hải quan. Nếu bị phát hiện thì đề nghị được chấp hành quyết định xử phạt; đồng thời, tiến hành khai bổ sung hoặc xử lý buộc tái xuất hàng hóa ra khoải lãnh thổ Việt Nam.

Tại cửa khẩu Chi Ma nơi có nhiều KNQ được công nhận hoạt động, theo thông tin phóng viên nắm được, do chính sách biên mậu của phía Trung Quốc thời gian qua không cho phép các DN nhập các mặt hàng còn nguyên bao bì, xuất xứ… liên quan đến hàng TNTX qua cửa khẩu chính, do đó, có tình trạng DN xé lẻ hàng hóa, đóng hàng hóa vào các bao tải để xuất hàng qua các cửa khẩu phụ, lối mở. Tình trạng này đặt ra câu hỏi: Liệu các lực lượng chức năng có đủ sức để kiểm soát trước “mánh khóe” này hay DN lại dùng thủ đoạn để quay ngược, thẩm lậu vào nội địa?

Trước dấu hiệu này, trao đổi với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn thì được biết, tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan trong tỉnh chủ động, tích cực trong việc phối hợp triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hải quan, phòng chống thẩm lậu, buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Hải quan phối hợp quản lý trong khu vực cửa khẩu và lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thuế phối hợp quản lý trong nội địa để đảm bảo ngăn chặn các hành vi thẩm lậu, buôn lậu, gian lận thương mại liên quan đến hàng hóa gửi KNQ, TNTX. Đặc biệt tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ kiểm tra và đưa ra các giải pháp nhằm chấn chỉnh và kiểm soát chặt các dấu hiệu trên.

(Bài 3: Phòng ngừa vi phạm từ hoạt động kinh doanh kho ngoại quan)

Theo Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Tổng cục Hải quan, năm 2019, qua kiểm tra chuyên đề về KNQ tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện nhiều KNQ không đáp ứng điều kiện hoạt động theo Nghị định số 68/2016/NĐ-CP và Thông tư số 84/2017/TT-BTC về hệ thống camera quan sát, thời gian lưu giữ hình ảnh camera, phần mềm quản lý hàng hóa; số lượng tồn kho thực tế chênh lệch so với số liệu báo cáo tồn KNQ; số liệu báo cáo nhập xuất tồn KNQ không đúng quy định, thiếu tiêu chí cần theo dõi, quản lý; việc đưa hàng hóa không thuộc diện được gửi KNQ và KNQ. Vụ Thanh tra - Kiểm tra đã kiến nghị Cục Giám sát quản lý về hải quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định bất cập về biểu mẫu báo cáo hàng hóa nhập xuất tồn KNQ; khắc phục việc cấp mã địa điểm chưa có sự phân biệt (mã KNQ trùng với mã địa điểm kiểm tra)...

Thực hiện kết luận kiểm tra, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã thu hồi quyết định KNQ của 1 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 chủ KNQ về hành vi lưu giữ hàng không đúng địa điểm quy định và hành vi vi phạm quy định về quản lý KNQ.

Kiểm tra chuyên đề về công tác quản lý hải quan đối với KNQ, hàng hóa đưa vào, đưa ra KNQ khu vực biên giới với Trung Quốc, Campuchia tại các Cục Hải quan tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Quảng Ninh và Cao Bằng. Qua kiểm tra đã phát hiện tại Tây Ninh: 1/2 KNQ không đủ điều kiện hoạt động, tại Bình Phước: 2/2 KNQ không đủ điều kiện hoạt động; tại Cao Bằng: 1/4 KNQ không đủ điều kiện hoạt động. Tổng cục đã giao Cục Giám sát quản lý về hải quan làm thủ tục, chấm dứt hoạt động.

Ngoài ra, qua công tác kiểm tra KNQ đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số bất cập theo quy định tại Thông tư số 84/2017/TT-BTC, Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, hệ thống giám sát hải quan tự động VASSCM.

Nhóm PV

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/kho-ngoai-quan-nhung-nguy-co-tiem-an-bai-2-ra-khoi-kho-ngoai-quan-hang-hoa-di-dau-118608-118608.html