Kho lạnh đang là phân khúc đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam

'So với các thị trường phát triển trong khu vực, thị trường chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ và manh mún'.

Nhu cầu về kho lạnh ngày càng lớn do sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và nhiều ngành hàng dược phẩm, thực phẩm,...

Đây là nhận định của Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc của Cushman & Wakefield Việt Nam về thị trường kho lạnh tại Việt Nam. Cũng theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield Việt Nam về tiềm năng phân khúc này, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh lĩnh vực này.

Thị trường chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam đạt khoảng 169 triệu USD vào năm 2019. Trong bối cảnh ngành kho vận lạnh bùng nổ để phục vụ nhu cầu phân phối vaccine cũng như tăng trưởng trong chế biến thủy sản và nhu cầu tiêu dùng, thị trường dự kiến sẽ chạm mốc 295 triệu USD vào năm 2025, tức là tăng trưởng khoảng 12% hàng năm, báo cáo của Cushman & Wakefield nêu.

Báo cáo cũng nêu rõ, tại Việt Nam, thu nhập khả dụng của tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo cho phép người tiêu dùng có nhiều nhu cầu tiếp cận các sản phẩm hữu cơ tươi ngon và chất lượng hơn. Nhờ đó, nhu cầu kho vận lạnh gia tăng, đẩy mạnh xu hướng đầu tư vào chuỗi cung ứng lạnh và cơ hội phát triển mới. Và hiện đang có các loại kho lạnh chính bao gồm kho đông lạnh, kho làm lạnh và kho làm mát, có phạm vi nhiệt độ khác nhau, ở các mức nhiệt độ dao động từ: -40 độ C đến -10 độ C; -5 độ C đến +10 độ C; + 3 độ C đến + 15 độ C.

Tại Việt Nam, nguồn cung của chuỗi cung ứng lạnh cho nông nghiệp có ba kênh chính bao gồm thực phẩm chế biến nhập khẩu, thủy sản và rau quả ướp lạnh tại thị trường nội địa. Khác với các loại kho khô thông thường, kho lạnh cần có thêm trang bị cách nhiệt và bộ phận cơ học để duy trì nhiệt độ, độ ẩm trong kho ở mức thấp. Điều đó có nghĩa rằng kho lạnh cần nguồn cấp điện ổn định để tránh tình trạng hàng hóa bị hư hỏng.

Kho lạnh có giá thuê cao hơn nhiều so với các loại kho khô thông thường. Tùy thuộc vào loại thiết bị bảo quản lạnh (ướp lạnh hoặc tủ đông), mức phí thuê có thể dao động từ 50% đến 100% hoặc thậm chí cao hơn. Giá thuê kho cho sản phẩm ướp lạnh và đông lạnh dao động từ 45-90 USD trên mỗi mét vuông. Giá thuê bảo quản dược phẩm từ 45 đến 160 USD trên mỗi mét vuông. Giá thuê pallet rơi vào khoảng 16.000 – 30.000 VNĐ trên một tấm mỗi ngày.

Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, do sự khan hiếm về từng loại kho lạnh chuyên biệt, nhu cầu có thể sẽ vượt cung, nên khả năng tăng giá sẽ cao hơn. Mặc dù chi phí đầu tư vào trang thiết bị kho lạnh ngày càng tốn kém do chi phí lắp đặt vật liệu cách nhiệt và máy móc, nhưng giá thuê cao lại là động lực mạnh mẽ để các chủ đầu tư sẵn sàng xây dựng các dự án kho lạnh. Các nhà đầu tư và chủ tài sản cũng có thể cân nhắc phương án chuyển đổi kho thông thường thành kho lạnh để khai thác phần chênh lệch phí thuê.

Thành Nguyễn

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/kho-lanh-dang-la-phan-khuc-dau-tu-hap-dan-tai-viet-nam-292642.html