Khó kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang lan rộng trên địa bàn cả nước với những diễn biến hết sức phức tạp. Tại Quảng Nam, đây là lần đầu tiên người chăn nuôi phải đối mặt với loại dịch không có vacine điều trị này. Cùng với đó, hình thức chăn nuôi hiện nay của người dân đa phần là nhỏ lẻ, tự phát nên việc kiểm soát bệnh dịch vô cùng khó khăn.

Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang lan rộng trên địa bàn cả nước với những diễn biến hết sức phức tạp. Tại Quảng Nam, đây là lần đầu tiên người chăn nuôi phải đối mặt với loại dịch không có vacine điều trị này. Cùng với đó, hình thức chăn nuôi hiện nay của người dân đa phần là nhỏ lẻ, tự phát nên việc kiểm soát bệnh dịch vô cùng khó khăn.

Quảng Nam đang siết chặt kiểm soát lượng lợn tiêu thụ tại các khu vực có dịch.

Quảng Nam đang siết chặt kiểm soát lượng lợn tiêu thụ tại các khu vực có dịch.

Chỉ trong vòng 10 ngày kể từ khi DTLCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận tại 3 huyện với hàng trăm con lợn bị tiêu hủy. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế TX Điện Bàn cho biết, các ngành chức năng của thị xã và chính quyền P. Điện Ngọc vừa tiêu hủy khẩn cấp 51 con lợn thịt (tổng trọng lượng 2.742kg) của gia trại ông Phan Anh Tuấn ở khối phố Viêm Minh vì bị nhiễm DTLCP. Có một điểm chung của các địa phương vừa có lợn bị nhiễm bệnh đó là những hộ này ở gần nhau và chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình nằm trên cùng một tuyến đường giáp ranh với nhau nên dịch lây lan chéo giữa các địa phương này rất nhanh chóng. Điển hình như đàn lợn của toàn xã Duy Hải chỉ có 427 con nhưng có tới 355 hộ chăn nuôi trong các khu dân cư và không đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, chuồng trại không an toàn. Tại xã Duy Thành quy mô đàn lợn lớn hơn là 1.400 con. Thế nhưng, nuôi theo hình thức trang trại không có vì theo thống kê chỉ có 6 gia trại từ 30 con trở lên. Rõ ràng, với phương thức chăn nuôi như thế, việc ngăn chặn và dập tắt DTLCP trong thời gian ngắn là không hề dễ dàng.

Để hạn chế nguy cơ DTLCP xâm nhiễm, UBND TX Điện Bàn đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Điện Bàn phối hợp với các đơn vị liên quan cũng như chính quyền các địa phương tăng cường kiểm soát, kiểm dịch cả đầu vào lẫn đầu ra tại các cơ sở và điểm giết mổ. "Nhằm ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh phát tán, công tác vệ sinh môi trường và phun tiêu độc khử trùng đang được đẩy mạnh. Hiện nay, ngoài 1.500 lít hóa chất Benkocid do Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh hỗ trợ, UBND TX đã chủ động xuất nguồn kinh phí dự phòng mua thêm 1.000 lít hóa chất Benkocid về hỗ trợ cho 20 xã, phường để duy trì thường xuyên việc phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng, mục tiêu là không để dịch bệnh lây lan sang các cơ sở chăn nuôi lớn", ông Nguyễn Đức Chơi thông tin.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y, hiện nay, tình hình DTLCP tại Quảng Nam đang có diễn biến hết sức phức tạp, có khả năng lây lan sang tất cả các địa phương chưa có dịch của tỉnh. Đặc biệt, loại bệnh nguy hiểm này có nguy cơ cao xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung với quy mô và số lượng thả nuôi lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Để ngăn dịch bùng phát, cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao. Thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn có nguy cơ nhiễm dịch bệnh.

Đồng Dao

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_206834_kho-kiem-soat-dich-ta-lon-chau-phi.aspx