Khó khăn vì mất việc cuối năm

Dịp gần tết, nhiều công nhân có nguy cơ mất thưởng tết, mất tháng lương 13 khi doanh nghiệp đột ngột chấm dứt hợp đồng trong khi chưa có công việc mới, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Một số công nhân bị Công ty Y.V đột ngột cho nghỉ việc - Ảnh: Trung Hiếu

Bất ngờ bị cắt hợp đồng

Thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam bộ, TP.Biên Hòa (Đồng Nai), từ đầu năm 2018 đến nay, có gần 2.600 lao động ngành dệt may, giày da, dệt nhuộm tại Đồng Nai mất việc làm, phải xin hưởng trợ cấp thất nghiệp và đang có chiều hướng tăng dịp cuối năm. So với ngành nghề khác, lao động giày da, dệt may, dệt nhuộm mất việc làm chiếm tỷ lệ cao nhất.

Con trai chưa đầy 1 tuổi, chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (28 tuổi, nhà ở H.Thạnh Phú, Bến Tre) phải gửi con cho ông bà nội để theo chồng lên TP.HCM mưu sinh. Chị Tuyền xin vào làm ở Công ty Y.V (công ty may của Hàn Quốc) ở Khu chế xuất Linh Trung 2 (Q.Thủ Đức). Sau khi thử việc gần 1 tháng, chị Tuyền được công ty ký hợp đồng 1 năm với mức lương 4,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mới làm việc được khoảng 5 tháng thì cuối tháng 10.2018, chị Tuyền được thông báo nằm trong nhóm 57 người bị cắt hợp đồng do công ty thiếu... đơn hàng.

Điều chị Tuyền bức xúc là công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không bảo đảm quyền lợi cho công nhân (CN). Chưa kể việc cắt hợp đồng xảy ra dịp gần cuối năm, CN bị thôi việc sẽ không kịp xin việc làm mới để trang trải cuộc sống. Sau đó trước áp lực đình công của CN, công ty buộc phải tăng thêm hỗ trợ đối với những CN bị bất ngờ cho thôi việc.

Chị Tuyền kể sau khi bị cho thôi việc, cuộc sống vốn dĩ khó khăn nay càng khó khăn hơn. Cả gia đình chỉ trông chờ vào mức lương khoảng 6 triệu đồng của người chồng. Chị Tuyền tính toán sơ mỗi tháng phải gửi 3 triệu đồng tiền bỉm, sữa để ông bà nội nuôi cháu, 2 triệu đồng tiền nhà, 4 triệu đồng tiền ăn của vợ chồng trong 1 tháng…

Chị Bích Tuyền (trái) làm hồ sơ tìm công việc mới

“Mới tính sơ vậy là thấy tiền lương của chồng không đủ rồi. Mất việc không có tiền đi xe về thăm con mà đón con lên sợ không điều kiện chăm sóc”, chị Tuyền cho hay sau khi mất việc cũng nộp hồ sơ ở một số công ty nhưng chưa được nhận vì dịp gần tết ít CN bỏ việc mà ráng làm để nhận thưởng cuối năm.

Cùng hoàn cảnh, bị Công ty Y.V cho thôi việc, cuộc sống gia đình anh Võ Thành Công (29 tuổi, ngụ Bình Dương) cũng rơi vào khó khăn. Hiện cuộc sống của gia đình anh đều dựa vào mức lương 6 triệu đồng của người vợ cũng làm CN. Hai đứa con 9 tuổi và 18 tháng được gửi về ông bà nội.

Gây khó cho người lao động

Mới đây, một công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng ở Q.Bình Tân (TP.HCM) với lý do thay đổi công nghệ, sắp xếp lại nhân sự dự tính cắt giảm hơn 100 CN. Sau khi có ý định cắt giảm nhân sự, công ty này thông báo CN có nhu cầu sẽ được chuyển sang bộ phận khác, còn không đáp ứng được sẽ giải quyết chế độ cho những CN nghỉ việc.

“Liên đoàn Lao động của quận và Ban Thường vụ Quận ủy Q.Bình Tân đã có ý kiến nên công ty này hứa kéo dài thời gian cắt giảm nhân sự qua tết”, đại diện Liên đoàn Lao động Q.Bình Tân cho biết.

Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện CN Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động VN), cho biết thời gian gần đây doanh nghiệp (DN) có xu hướng cơ cấu lại nhân sự để cắt giảm lao động. Tuy nhiên, việc cắt giảm nhân sự dịp tết chắc chắn gây nhiều khó khăn cho người lao động. “Tôi theo dõi cũng thấy nhiều DN cuối năm cắt giảm nhân sự nhưng ra tết lại ồ ạt tuyển dụng. Có thể sau tết có nhiều người nghỉ phải tuyển dụng...”, ông Thọ nói.

Ông Thọ cho biết nếu người lao động không vi phạm thì khi cho nghỉ việc buộc DN giải quyết chế độ theo luật Lao động. Còn đối với tiền thưởng tết, nếu đầu năm DN đã cam kết thì khi cho nghỉ phải giải quyết cho CN theo đúng số tháng họ đã làm. Việc làm này để CN có tiền mua vé tàu xe về quê, mua sắm tết. “Tôi phải nói điều này bởi có DN lấy lý do giải quyết chế độ xong không trả tiền thưởng tết dù thời điểm cho nghỉ đã gần tết. Bộ phận công đoàn ở công ty, khu công nghiệp, địa phương cần có tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi cho CN”, ông Thọ nhấn mạnh.

DN làm không đúng, có thể khởi kiện

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Liên đoàn Lao động TP.HCM), cho biết luật vẫn cho phép DN cho nghỉ nhưng vấn đề phải bảo đảm quyền lợi người lao động theo đúng quy định pháp luật. Chưa kể DN trước khi cho người lao động nghỉ phải xây dựng phương án, thông qua ban chấp hành công đoàn và cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh thành trước 30 ngày.

“Nếu trong quy chế DN hay thỏa thuận lao động có tháng lương 13 hay thưởng tết thì khi nghỉ người lao động phải được hưởng. Nếu trong năm người lao động làm 10 tháng thì mức hưởng tính theo 10 tháng. Nếu DN làm không đúng, người lao động báo để chúng tôi xem xét và có thể tư vấn, hỗ trợ họ khởi kiện”, ông Triều nói.

Phải đảm bảo quyền lợi cho công nhân

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết với DN muốn cho CN nghỉ việc phải chứng minh được mình đang có kế hoạch tái cơ cấu nhân sự hoặc đơn hàng giảm buộc phải cắt giảm nhân sự. Ngoài ra, trước khi cắt giảm, DN phải báo cho công đoàn cơ sở, địa phương về kế hoạch cắt giảm, đưa ra kế hoạch bảo đảm quyền lợi cho những người bị cắt giảm.

“Liên đoàn Lao động TP.HCM đang giám sát chặt những nơi dễ xảy ra việc DN cho CN nghỉ việc dịp gần tết. Quan điểm của liên đoàn dịp tết CN phải có tối thiểu tháng lương 13. Trường hợp cho nghỉ thì DN phải tính đủ thời gian làm từ đầu năm đến thời điểm cho nghỉ nhằm bảo đảm quyền lợi cho CN, để họ có tiền thưởng tết”, bà Thúy nói.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), cho hay Công đoàn Hepza đang rà soát lại tất cả các khu công nghiệp để nếu có xảy ra tình trạng cho CN nghỉ việc dịp gần tết sẽ tìm cách bảo vệ quyền lợi chính đáng cho CN.

Trung Hiếu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/kho-khan-vi-mat-viec-cuoi-nam-1031139.html