Khó khăn và thách thức trong công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ, nhằm xây dựng một nền kinh tế hiện đại, giàu sức cạnh tranh...

Trong giai đoạn 2016-2020 nền kinh tế vẫn bộc lộ một số hạn chế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công chậm, chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện rõ nét, khu vực kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng... Tựu chung lại tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở nước ta còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo có đưa ra mục tiêu tổng quát là tạo nên thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng. Nội dung chính tập trung hướng dựa vào tăng năng suất, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế; từng bước tạo lập hệ thống động lực và các yếu tố nền tảng để hướng tới nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra nhiều hạn chế trong giai đoạn 2016 - 2020

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra nhiều hạn chế trong giai đoạn 2016 - 2020

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đặt ra các mục tiêu quan trọng cần đạt được đó là: Tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,5-7%/năm; nâng cao đóng góp của ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để chiếm khoảng 45-50% tốc độ tăng trưởng của cả nước; thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh với các nước trong nhóm ASEAN-4; hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và tổ chức tín dụng, duy trì nợ công không quá 60% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Đến năm 2025, có ít nhất 20 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế; 50% số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ tham gia vào mạng lưới sản xuất các tập đoàn đa quốc gia, cung ứng 30% nhu cầu trong nước; tăng cường khai thác thị trường trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; kinh tế số chiếm 20% GDP.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ đối với các khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời, tạo cơ chế, động lực kết nối hữu hiệu giữa đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp và các bên có liên quan khác bên cạnh việc xây dựng, phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Theo TS. Cao Viết Sinh cho rằng, thách thức của việc tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 này không chỉ là khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại từ mô hình tăng trưởng trước đây mà còn phải đề xuất con đường mới. Vì vậy cần xác định rõ những tác động có thể xảy đến để đưa ra những kiến giải cho việc cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Nhận định về những giải pháp để thực hiện tốt cơ cấu lại nền kinh tế ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng: Cơ cấu lại đầu tư công đi đôi với hoàn thiện thể chế quản lý, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá, lựa chọn dự án đầu tư.

“Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng tốc độ cổ phần hóa, nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp. Cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng với việc xử lý nợ xấu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính, cân bằng giữa phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn”.,ông Chung nhấn mạnh.

Ông Chung cũng chỉ ra đối với các ngành công nghiệp, tập trung các giải pháp nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất lao động trong ngành công nghiệp; phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo. Cơ cấu lại các ngành dịch vụ, tập trung phát triển một số ngành có lợi thế, giá trị gia tăng cao...

Hải Đăng (T/H)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/kho-khan-va-thach-thuc-trong-cong-cuoc-co-cau-nen-kinh-te-33103.html