Khó khăn và kỳ vọng từ Hội nghị thượng đỉnh G20

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Osaka (Nhật Bản), ngày 28 và 29-6 đã khép lại. Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nỗ lực bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới trì trệ. Khi vấn đề cải cách Tổ chức thương mại thế giới (WTO) được chú trọng, khi nền kinh tế số được lấy làm trọng tâm, khi những cuộc tranh cãi về kinh tế, thậm chí gắn liền cả chính trị, được nỗ lực thảo luận, G20 đang hy vọng, trong những thời điểm, vấn đề khó khăn, mọi việc đều có thể giải quyết nếu các bên duy trì thiện chí đàm phán.

Cờ các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Shutter

Cờ các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Shutter

Khó khăn và… kỳ vọng

Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro, bất trắc do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xung đột thương mại Mỹ-Trung căng thẳng trở lại. Trong khi đó, hợp tác liên kết kinh tế tuy vẫn được thúc đẩy, nhưng nhiều thể chế và diễn đàn đa phương gặp khó khăn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiếp tục phát triển mạnh với nhiều vấn đề đặt ra cần tăng cường hợp tác quốc tế để xử lý...

Trước thực trạng này, với tư cách là Chủ tịch luân phiên đương nhiệm của G20 năm nay, Nhật Bản đã xác định những nội dung trọng tâm ưu tiên trên chương trình nghị sự của hội nghị này là: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm sự mất cân đối; phát triển cơ sở hạ tầng giá trị cao và các hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho người dân; những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu trái đất hay rác thải nhựa ở các đại dương; nền kinh tế số; những thách thức đến từ xã hội với tỷ lệ người già ngày càng cao.

Đánh giá về những nội dung trên, giới phân tích cho rằng, đây đều là những nội dung quan trọng, thường được đưa ra tại các Hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây. Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Nga, những xung đột thương mại của Mỹ với nhiều đối tác khác và tình trạng vùng Vịnh hiện đang ngấp nghé bờ vực của đụng độ quân sự, thậm chí có cả chiến tranh, giữa Mỹ và Iran hiện nay, khiến người ta lo ngại Mỹ sẽ vẫn chủ ý đi lối đi riêng chứ không lựa chọn đồng hành cùng G20.

Trong G20 hiện tại, nhìn chung, các thành viên tuy có lợi ích riêng, nhưng về cơ bản, không đi ngược với những định hướng và nguyên tắc trong tôn chỉ mục đích của nhóm. Chỉ có Mỹ với những gì đã bộc lộ từ một vài năm nay đang cho thấy những bất đồng với nhóm. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, thách thức lớn đặt ra cho G20 hiện nay là phải gây dựng và tăng cường đồng thuận giữa các thành viên, phải vừa dựa trên chủ nghĩa đa phương để hoạt động, vừa phải dùng thành tựu đạt được để củng cố và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.

Trong một bài phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ ở Washington mới đây, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, đã mô tả kinh tế toàn cầu đang ở một “thời điểm nhạy cảm”. Mặc dù có một số hy vọng phục hồi trong nửa cuối năm 2019, nhưng nhìn chung, cơ hội hồi sinh có thể được xem là rất mong manh bởi nhiều lý do: Khả năng về Brexit không có thỏa thuận, giá dầu tăng, nợ doanh nghiệp ở mức cao, những bất ổn tăng trưởng của Trung Quốc và leo thang căng thẳng thương mại hơn nữa giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo G20 chắc chắn không hài lòng với tình trạng kinh tế toàn cầu hiện nay và hội nghị đã trở thành cơ hội để họ tìm ra những hướng đi mới.

Việt Nam đóng góp kiên định cho G20

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản từ ngày 27-6 đến 1-7. Đây là lần thứ 4 trong vòng 10 năm qua, Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Việc tham dự hội nghị giúp Việt Nam nói tiếng nói cùng những nền kinh tế đang nổi, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề chung của nền kinh tế thế giới.

Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Tại hội nghị này, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy một số vấn đề được các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN và Việt Nam quan tâm như: Biến đổi khí hậu (nêu sáng kiến về việc G20 thành lập Quỹ đặc biệt hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu; thành lập Diễn đàn các quốc gia ven biển đối phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển), thương mại, phát triển...

Sau đó, trên cương vị Chủ nhà APEC năm 2017, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm Chủ tịch. Việt Nam đã tích cực tham dự và đóng góp có trách nhiệm tại hội nghị cũng như trong quá trình tham gia các hoạt động của G20 trong năm, tạo được ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong APEC 2017.

Tại Hội nghị G20 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị G20 xây dựng Khuôn khổ toàn cầu mới về thúc đẩy tự do thương mại, chuyển giao công nghệ các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số và xem xét lập Diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều ý kiến đóng góp của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững, nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong kinh tế số... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phối hợp, thúc đẩy lợi ích và quan tâm chung của các nước đang phát triển trong nghị sự kinh tế toàn cầu như thương mại-đầu tư quốc tế, chống biến đổi khí hậu, cải cách quản trị kinh tế-tài chính toàn cầu...

G20 năm nay, nước chủ nhà Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách là một trong 8 khách mời đặc biệt, tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 năm 2019; tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung hội nghị.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, với tinh thần chủ động, tích cực tham gia vào đời sống kinh tế-chính trị thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò nhằm bảo vệ nền thương mại tự do và công bằng, tìm kiếm sự cải cách phù hợp các thể chế kinh tế thế giới nhằm đối phó với những thay đổi tiêu cực trên địa cầu. Ngoài ra, là quốc gia biển, Việt Nam sẽ tham gia tích cực vào việc bảo vệ môi trường biển, chống lại rác thải nhựa trên biển, đây cũng là chủ đề mà Nhật Bản và các quốc gia biển đang quan tâm, thúc đẩy tìm kiếm giải pháp.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/kho-khan-va-ky-vong-tu-hoi-nghi-thuong-dinh-g20/