Khó khăn trong xử lý chất thải rắn xây dựng

Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, nhiều công trình được đầu tư xây dựng khiến lượng chất thải xây dựng cũng tăng nhanh. Thế nhưng, việc quản lý, thu gom, vận chuyển còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng đến đời sống của người dân, môi trường và cảnh quan đô thị.

Nhiều điểm tập kết chất thải rắn xây dựng tự phát tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa.

Không khó để nhận ra rằng, chất thải rắn sinh hoạt đang hiện hữu ở nhiều nơi trên địa bàn TP Thanh Hóa. Từ ven đường chính đến những con ngõ nhỏ, thậm chí là cả kênh mương, những khu đất đã quy hoạch hay ngoài cánh đồng. Nơi nào càng rộng, càng vắng vẻ, ít người qua lại, thì tình trạng đổ trộm chất thải rắn sinh hoạt lại càng nhiều. Và cứ thế, theo thời gian, diện tích, quy mô bãi chất thải rắn xây dựng ngày càng lớn, chiếm hết lối đi, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Đối với các công trình lớn, xây dựng nhiều tầng, vữa gạch bê tông của những công trình cũ đập ra được chủ thi công công trình hợp đồng cho xe ô tô tải đến vận chuyển, đổ đi nơi khác. Tuy nhiên, số rác thải xây dựng đó được chở đi đổ ở đâu thì không ai quan tâm đến. Bà Lê Thị Kim Ngân, một người dân sống tại đường Lê Vãn kéo dài, phường Đông vệ (TP Thanh Hóa), than phiền: Nhiều hôm, mới sáng mở cổng ra ngoài đã thấy ngay một đống gạch vữa xi măng thải ở khu đất trống cách nhà khoảng 200m, lâu dần chỗ đó cũng thành một bãi thải và tập hợp cả những rác thải sinh hoạt hằng ngày, gây ô nhiễm môi trường.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng phát sinh chất thải rắn trên địa bàn tỉnh hiện nay là hơn 10 nghìn tấn/ngày; trong đó, chất thải rắn xây dựng chiếm từ 20 - 30%. Tuy nhiên, chỉ số ít trong đó được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Số còn lại thải bỏ ra môi trường hoặc chuyển nhượng tự do trên thị trường mà không được kiểm soát. Cụ thể, với các loại đất sạch phát sinh trong quá trình đào móng, được chủ công trình sử dụng để san lấp mặt bằng hoặc đổ nền cho công trình khác. Còn các loại đất bẩn, vữa, gạch vỡ, bê tông vụn, gỗ, thủy tinh, trần thạch cao... được chủ công trình thuê các xe ô tô tải vận chuyển đi. Còn chúng được vận chuyển đi đâu họ cũng chẳng quan tâm. Thậm chí, chất thải rắn xây dựng còn “tấn công” cả kênh mương làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước mùa mưa bão. Trong đó, nhiều nhất là ở những đoạn kênh chảy qua các khu dân cư.

Gạch, vữa, xi măng thải trong ngành xây dựng được xếp vào loại chất thải nguy hại, khó phân hủy. Thế nhưng việc quản lý và xử lý loại chất thải này hiện nay vẫn là bài toán chưa có lời giải. Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa có quy hoạch các bãi rác thải xây dựng. Hầu hết ở các địa phương chất thải này đều được đổ chung với rác thải sinh hoạt tại bãi chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt. Nguyên nhân do công trình xây dựng có quá nhiều nên cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết tất cả các công trình. Mặc dù, khi các công trình tiến hành xây dựng đều phải qua Phòng Quản lý đô thị các địa phương để xin giấy phép và ký yêu cầu bắt buộc để xử lý chất thải, nhưng đa số các nhà thầu thường thuê xe ô tô tải vận chuyển chất thải xây dựng đi đổ, và khoảng cách giữa công trình với nơi thải bỏ thường cách xa nhau nên rất khó để kiểm soát.

Để việc quản lý chất thải rắn xây dựng hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị, việc đưa vào sử dụng các điểm tập kết chất thải rắn xây dựng là rất cần thiết. Do đó, chính quyền các địa phương cần bố trí quỹ đất, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các điểm tập kết chất thải rắn xây dựng. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân; đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/kho-khan-trong-xu-ly-chat-thai-ran-xay-dung/106304.htm