Khó khăn trong tiêu thụ khiến người nuôi rùa câm lao đao

Nhận thấy nuôi rùa câm mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân ở xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) đã đầu tư nuôi quy mô lớn mà chưa nghiên cứu kỹ thị trường và khuyến cáo của các ngành có liên quan của tỉnh, địa phương khiến người nuôi ở đây đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm.

Người nuôi rùa câm tại xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) đang gặp nhiều khó khăn do không có đầu ra.

Ông Đỗ Viết Thường, thôn Nam Bằng I, xã Thiệu Hợp - là một trong những người đi tiên phong nuôi rùa câm trên địa bàn xã Thiệu Hợp. Năm 2009, đi bán hàng rong trên các xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, tình cờ ông gặp và được người dân cho 1 con rùa nhỏ về nuôi làm cảnh. Trong quá trình nuôi dưỡng ông để ý thấy rùa dễ sống và tạp ăn, rùa phát triển nhanh, sau 1 năm đạt hơn 1 kg/con. Qua tìm hiểu ông biết được đây là loại rùa có giá trị kinh tế cao và có thể gây nuôi thương phẩm. Từ đó, ông lên huyện Thường Xuân mua được hai đôi rùa câm về gây nuôi và cho sinh sản, phát triển đàn rùa. Hiện cơ sở nuôi rùa câm của gia đình ông có 200 con đạt kích cỡ thương phẩm và 300 rùa con mới ấp nở. Ông Thường cho biết, giống rùa câm rất dễ nuôi, ít bệnh tật, tỷ lệ sống cao và chịu rét rất tốt. Thức ăn chính của đàn rùa là giun, nhái đồng, cá tạp... Đối với rùa giống, trọng lượng thức ăn bằng 3 – 5% trọng lượng cơ thể rùa. Còn rùa sinh sản trọng lượng thức ăn từ 5 - 10% trọng lượng cơ thể. Vào mùa lạnh, rùa không ăn chủ yếu ngủ đông. Thời điểm hiện nay giá rùa câm giảm sâu chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/kg mà không có người mua, khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Thường lo ngại nếu không xuất bán được số rùa thương phẩm và rùa con sinh sản ra khiến đàn rùa nhà ông ngày một tăng lên. Vì vậy, ông mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người nuôi rùa câm thả về tự nhiên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) có khoảng 150 hộ nuôi rùa câm và ba ba thương phẩm. Nhiều gia đình nuôi với số lượng lớn, như: Ông Đỗ Hữu Hạnh, Phan Văn Hùng, Phan Văn Quyền... Theo người dân, rùa câm thời điểm sốt giá, lên đến gần 30 triệu đồng/kg rùa thịt, gần 100 triệu đồng/cặp rùa bố mẹ và 3 triệu đồng/1 con rùa giống, nên nhiều gia đình đã đầu tư nuôi. Khoảng 3 năm gần đây, tiêu thụ rất khó khăn. Lâu nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu cho các nhà hàng và thương lái thu gom xuất sang thị trường Trung Quốc nên đầu ra bị phụ thuộc, bấp bênh. Bên cạnh đó, giá một số con đặc sản xuống thấp và khó tiêu thụ là do người nuôi tự phát theo phong trào, không tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm, thì việc phát triển nhân nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã sẽ giảm áp lực lên việc săn bắt, khai thác động vật hoang dã từ tự nhiên, bảo vệ nhiều loài động vật hoang dã trước nguy cơ bị tuyệt chủng... Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm luôn tạo điều kiện để các hộ dân nuôi động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra, giám sát mọi hoạt động gây nuôi, sinh sản, xuất bán, tăng đàn đều được kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề các hộ dân ở xã Thiệu Hợp nuôi rùa câm mà không có đầu ra, xảy ra khoảng 3 năm trở lại đây. Một số hộ nuôi cũng có đề xuất nếu hỗ trợ một phần kinh phí họ sẽ tự nguyện thả về môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người gây nuôi động vật hoang dã như những con nuôi thuần túy khác. Về lâu dài, các ngành có liên quan của tỉnh hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ việc gây nuôi động vật hoang dã trong nhân dân.

Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/kho-khan-trong-tieu-thu-khien-nguoi-nuoi-rua-cam-lao-dao/111301.htm