Khó khăn trong quản lý giống cây trồng

Ngày 26-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tăng cường công tác quản lý giống cây trồng các tỉnh, thành phố phía Nam.

Theo số liệu điều tra của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) và báo cáo từ các địa phương, hiện nay có trên 2.000 tổ chức, cơ sở, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán giống cây trồng gồm các công ty, doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác và các viện, trường, trung tâm giống. Thời gian qua, ngành giống cây trồng phía Nam đã có bước phát triển vượt bậc, nhiều giống cây trồng mới có chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của toàn ngành nông nghiệp thì có 7 mặt hàng từ lĩnh vực trồng trọt là lúa, cà phê, điều, rau quả, cao su, sắn và hồ tiêu…

 Đại biểu tham quan quầy trưng bày giống lúa của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu tham quan quầy trưng bày giống lúa của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Dù có nhiều bước phát triển, tuy nhiên tính từ năm 2009 đến nay đã có hiện tượng vi phạm bản quyền đối với giống cây trồng. Theo đó, hiện tượng kinh doanh giống với bao bì không có nhãn mác hoặc nhãn mác mập mờ vi phạm bản quyền tác giả giống đang ngày càng phổ biến; tỷ lệ hạt giống chưa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật trên thị trường còn cao; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận còn thấp, nhất là giống lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long mới khoảng 60%.

Lý giải về vấn đề này, các đại biểu cho rằng, nguyên dân là do việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với đơn vị sở hữu quyền tác giả giống chưa chặt chẽ; số lượng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống hiện qua quá nhiều, một số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, năng lực còn thấp, cạnh tranh không lành mạnh trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giống cây trồng hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý về giống thời gian qua chưa đồng bộ, chặt chẽ do thiếu tổ chức hệ thống ngành từ tỉnh xuống cơ sở, cán bộ thanh tra chuyên ngành tại địa phương còn hạn chế; một số tổ chức, cá nhân chưa nắm được quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh giống nên chưa nghiêm túc thực hiện.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, bên cạnh việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng để người dân chủ động được nguồn giống cây trồng chất lượng tốt thì các sở, ngành có liên quan, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm được kiến thức pháp luật về giống. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm để qua đó đánh giá thực trạng công tác quản lý chất lượng giống cây trồng trên từng địa phương và trên toàn quốc.

Tin, ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/kho-khan-trong-quan-ly-giong-cay-trong-624380