Khó khăn trong đấu tranh với tội phạm vận chuyển trái phép động vật hoang dã

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã xuyên biên giới ngày càng phức tạp. Khó khăn đặt ra hiện nay là thẩm quyền điều tra, xử lý của cơ quan Hải quan đối với loại tội phạm này còn nhiều hạn chế.

Tang vật trong vụ án liên quan đến Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Pama Miền Bắc. Ảnh: Đội Kiểm soát hải quan Hải Phòng

Tang vật trong vụ án liên quan đến Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Pama Miền Bắc. Ảnh: Đội Kiểm soát hải quan Hải Phòng

Ngày 1/6, trao đổi với phóng viên, một cán bộ Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) cho hay, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hải Phòng) vừa có quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ việc vận chuyển trái phép hơn 2 tấn ngà voi, vảy tê tê.

Theo hồ sơ vụ việc, qua công tác nắm tình hình, ngày 30/11/2019, Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hải Phòng) khám lô hàng đóng trong 3 container hàng nhập khẩu đến cảng VIP Greenport Hải Phòng.

Đáng chú ý, trước đó lô hàng đã được đưa đến cảng Quy Nhơn (Bình Định) trước khi cập cảng Hải Phòng.

Theo khai báo khi tàu nhập cảnh, hàng hóa từ Nigeria gửi cho người nhận hàng là Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Pama Miền Bắc (địa chỉ: thôn Yên Khê, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), hàng hóa thể hiện là Doussie wood (tạm dịch là gỗ Gõ).

Tuy nhiên, kết quả khám xét và giám định xác định hàng hóa trong 3 container nêu trên, ngoài gỗ Gõ (153 khúc, tương đương 36,173 m3) còn chứa hơn 2 tấn ngà voi, vảy tê tê, trong đó gần 1,8 tấn vảy tê tê và 330 kg ngà voi.

Trong đó, ngà voi và vảy tê tê được cất giấu trong 1 container số SUDU7477231. Đây là sản phẩm có tên trong Phụ lục I của Công ước Cites và Danh mục các loài động vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), là mặt hàng cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khai thác tự nhiên vì mục đích thương mại.

Sau khi xác minh, xét thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, Cục Hải quan Hải Phòng ban hành Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo thẩm quyền.

Tính từ ngày 1/1/2019 đến nay, toàn ngành Hải quan đã phát hiện và bắt giữ 32 vụ, buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới. Trong đó có10 vụ ngà voi, 4 vụ sừng tê giác và 10 vụ tê tê sống và vẩy tê tê.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Thực tế, những năm gần đây, Cục Hải quan Hải Phòng là một trong những đơn vị tiêu biểu trong phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã, nhất là ngà voi, vảy tê tê, gỗ quý… Tuy nhiên, giống như vụ việc nêu trên, sau khi hoàn thiện hồ sơ, đơn vị phải bàn giao hồ sơ, tang vật cho cơ quan Công an xử lý, do đó, việc mở rộng điều tra của cơ quan Hải gặp nhiều hạn chế.

Được biết, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến động vật hoang dã còn hạn chế. Cụ thể, các vụ việc liên quan đến ngà voi, vảy tê tê hay động vật hoang dã, quý, hiếm đã được chuyển giao cho cơ quan Công an khởi tố theo quy định tại Điều 244 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm) của Bộ luật Hình sự.

Theo Tổng cục Hải quan, do cơ quan Hải quan không có thẩm quyền điều tra đối với các vụ việc động vật hoang dã, nên khi phát hiện những hành vi phạm tội này, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra. Điều này mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng, kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.

Ngoài ra, việc xử lý vi phạm liên quan đến động vật hoang dã còn gặp khó khăn do các đối tượng sử dụng thủ đoạn như: Thay đổi doanh nghiệp để nhập khẩu; thường xuyên thay đổi các địa điểm tập kết, kho bãi, hoạt động không theo quy luật và không cố định…

Mặt khác, thủ tục thành lập doanh nghiệp thông thoáng, một số đối tượng lợi dụng để thành lập công ty “ma” hoặc mua lại các công ty đã thành lập trước đây để làm thủ tục nhập khẩu lô hàng, do vậy việc điều tra xác minh rất mất thời gian và gặp nhiều khó khăn. Một vấn đề nữa là công tác giám định liên quan đến động vật hoang dã tốn kém, đôi khi gặp khó khăn do trong một số trường hợp tang vật có số lượng ít, không đủ làm mẫu vật…

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/kho-khan-trong-dau-tranh-voi-toi-pham-van-chuyen-trai-phep-dong-vat-hoang-da-127598-127598.html