Khó khăn trong đấu tranh, ngăn chặn ình trạng vận chuyển xe máy trộm cắp qua Campuchia tiêu thụ

Mùa khô luôn là thời điểm hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trở nên 'sôi động' hơn. Tình trạng vận chuyển xe máy không có nguồn gốc, xuất xứ qua Campuchia tiêu thụ cũng không ngoại lệ. Nhiều năm qua, các đơn vị BĐBP Bình Phước đã rất quyết liệt để đấu tranh, ngăn chặn, song lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong việc bắt giữ và xử lý.

Đối tượng Dương Tiến Thắng cùng tang vật xe máy được bàn giao cho Công an huyện Bù Đốp tiếp tục điều tra, xử lý. Ảnh: Lâm Anh

Đối tượng Dương Tiến Thắng cùng tang vật xe máy được bàn giao cho Công an huyện Bù Đốp tiếp tục điều tra, xử lý. Ảnh: Lâm Anh

Xã biên giới Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, thuộc quản lý của Đồn Biên phòng Bù Đốp từ lâu được coi là “điểm nóng” về nạn vận chuyển xe máy trộm cắp qua Campuchia tiêu thụ. Đại úy Đinh Xuân Yên, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Bù Đốp cho biết: “Dù lực lượng trinh sát nắm được thông tin, song việc triển khai lực lượng để mật phục, đánh bắt thì rất khó. Bởi đơn vị quản lý đoạn biên giới dài, vào mùa khô, sông biên giới cạn nước sẽ dễ dàng cho đối tượng luồn lách, di chuyển. Thêm nữa, cây cối rụng lá, những lùm, bụi cây dọc biên đều bị các đối tượng đốt hết để chúng dễ dàng quan sát, nhưng lại gây khó khăn cho lực lượng đánh bắt do không có vị trí thích hợp để ẩn nấp, mật phục.

Một khó khăn nữa là hiện nay, việc vận chuyển xe qua bên kia biên giới để tiêu thụ đều có sự “chỉ đường” cẩn thận của các đối tượng canh đường. Trước khi đưa xe đi tiêu thụ, các đối tượng canh đường sẽ đi dò đường, xem xét hết tất cả những vị trí mà lực lượng chức năng có thể ẩn nấp. Khi thấy an toàn, chúng mới gọi điện thông báo cho các đối tượng vận chuyển xe di chuyển”.

Mặt khác, người vận chuyển xe thường là những đối tượng cộm cán trên địa bàn, rất thông thạo địa hình, từng đường mòn trên biên giới, có chứng minh nhân dân biên giới. Thêm nữa, chúng nắm rất rõ luật và biết mặt hầu hết lực lượng chức năng. Cùng với đó là mức lợi nhuận cao, đối tượng canh đường được hưởng 300 nghìn đồng, đối tượng vận chuyển từ 500 đến 800 nghìn đồng khi tiêu thụ trót lọt 1 xe máy. Bởi thế, bọn chúng thường rất manh động và sẵn sàng chống trả khi bị vây bắt.

Đơn cử, mới đây, ngày 27-3-2019, tại ngầm 06, thuộc ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, lực lượng chức năng bắt đối tượng Dương Tiến Thắng (sinh năm 1976), trú tại xã Long Hà, huyện Phú Riềng, đang vận chuyển 1 xe máy hiệu Wave RSX. Khi bị bắt, đối tượng mang theo bình xịt hơi cay với mục đích chống trả lực lượng chức năng. Hay nhiều vụ việc khác, khi bị truy bắt, đối tượng thường bỏ tang vật lại và hô hoán các đối tượng canh đường dùng đá ném lực lượng chức năng để giải thoát.

Cũng theo Đại úy Đinh Xuân Yên, thời gian qua, đơn vị đã bắt và xử lý 2 vụ/2 đối tượng có hành vi vận chuyển xe máy qua Campuchia tiêu thụ. Sẽ không có gì đáng nói nếu chỉ đơn thuần là vận chuyển xe đi sang bán bên nước bạn. Điểm đặc biệt ở đây là xe các đối tượng vận chuyển là xe mới, có giấy tờ chính chủ. Qua quá trình điều tra, các đối tượng khai, mua xe theo hình thức không xuất chứng từ, hóa đơn.

Theo nguồn tin trinh sát nắm được, thị trường Campuchia hiện khá chuộng loại xe máy Wave Alpha của Việt Nam, mức giá bán bên kia biên giới tương đương với giá bán đã qua thuế của Việt Nam, song vẫn rất đắt hàng. Nếu 1 chiếc xe giá bình thường khoảng 15 triệu đồng, song khi mua, yêu cầu không xuất hóa đơn thì giá sẽ còn hơn 13 triệu đồng; khi đưa sang bên kia biên giới sẽ được bán với giá 15 triệu đồng. Như vậy, sẽ lãi được hơn 1,5 triệu đồng khi vận chuyển trót lọt 1 xe máy. Đó là một phương thức, thủ đoạn mới của nạn vận chuyển xe máy qua Campuchia tiêu thụ.

Ngoài ra, các đối tượng còn tinh vi hơn khi vận chuyển trót lọt xe máy qua biên giới, hợp đồng bán xe xong, chúng tháo biển số xe mang về gắn vào xe khác, tiếp tục “hành trình” cũ để kiếm lời. Sau khi bắt 2 vụ/2 đối tượng vận chuyển xe máy trái phép qua biên giới, Đồn Biên phòng Bù Đốp đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các cửa hàng xe máy trên địa bàn nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Nhà nước.

Trong hai năm trở lại đây, các đơn vị thuộc BĐBP Bình Phước đã bắt giữ, xử lý 32 vụ/9 đối tượng, 36 xe máy, 3 biển số xe máy có nguồn gốc trộm cắp đưa qua Campuchia tiêu thụ. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết được diễn biến phức tạp của nạn vận chuyển xe máy qua Campuchia. Bởi theo Đại úy Nguyễn Đình Chung, Đội trưởng Đội đặc nhiệm, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh: “Bộ Chỉ huy và các phòng, ban chuyên môn đã rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời, tăng cường sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh, ngăn chặn nạn vận chuyển xe máy trộm cắp sang Campuchia tiêu thụ. Song, do lực lượng quá mỏng, biên giới rộng, thêm vào đó, hình thức vận chuyển ngày càng tinh vi, các đối tượng hình thành cả một ê-kíp chuyên nghiệp, tận dụng tối đa việc liên lạc bằng điện thoại di động thay vì xuất hiện trực tiếp. Do đó, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc bắt giữ, ngăn chặn nạn vận chuyển xe trộm cắp sang Campuchia tiêu thụ”.

Để việc đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng liên quan. Ngoài ra, nhân dân cũng cần nâng cao cảnh giác, bảo quản các tài sản của mình cẩn thận, tránh làm mồi cho các đối tượng trộm cắp. Đồng thời, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng trong tố giác tội phạm, góp phần vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Lâm Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/kho-khan-trong-dau-tranh-ngan-chan-inh-trang-van-chuyen-xe-may-trom-cap-qua-campuchia-tieu-thu/